Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ sử dụng thuật ngữ “tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng” trong các trường hợp dịch bệnh hiếm gặp cần phản ứng toàn cầu mạnh mẽ.
Trước khi có dịch viêm phổi lạ do vi rút corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu:
- Lần đầu tiên vào tháng 4-2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1);
- Lần thứ hai vào tháng 5-2014 do bệnh bại liệt trẻ em;
- Lần thứ ba vào năm 2014 trong dịch vi rút Ebola ở Tây Phi;
- Lần thứ tư là năm 2016 với dịch bệnh do vi rút Zika ở châu Mỹ.
- Lần thứ năm vào năm 2019 cũng trong dịch vi rút Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31-1-2020 (theo giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. "Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác", Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesusn cho biết trong thông báo được đưa ra tại cuộc họp báo ở Geneva.
Vi rút corona chủng mới lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc cuối năm 2019. Đến nay, số người tử vong do vi rút corona đã lên đến 212 người. Giới chức y tế ghi nhận thêm 1.200 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.