(HNM) - Việc nhiều nhà đầu tư bất động sản phía Nam ra Bắc tiếp thị các dự án và không ít nhà đầu tư Hà Nội vào Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… đã tạo ra những động thái mới, gây hiệu ứng khác nhau cho thị trường. Trong khi đó, giá đất tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội vẫn
Theo giới chuyên gia, không hầm hập nóng, nhưng những cơn sốt giá bất động sản vẫn diễn ra, bởi vàng và chứng khoán luôn biến động phức tạp trong khi bất động sản ít rủi ro hơn nên ngày càng có sức hút với không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thêm nữa, đây là thời điểm cuối năm, các khoản lợi nhuận đã có thể hạch toán, vì vậy không ít nhà kinh doanh coi bất động sản như một hình thức cất giữ tiền an toàn. Do vậy, việc giá đất tại một số khu vực tại Hà Nội liên tục bị đẩy lên cao không khó lý giải. Còn việc giới đầu tư phía Bắc tiến vào Nam là do giá bất động sản ở thị trường Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc thời gian qua biến động khá lớn, chưa kể sự chen lấn của đầu cơ tạo ra không ít sức ép. Trong khi đó, giá bất động sản ở phía Nam tương đối ổn định.
Những động thái vừa qua trên thị trường bất động sản chỉ là phần nổi, vấn đề nan giải hiện nay theo nhiều chuyên gia là giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng.
Thực tế, giá nhà ở hiện nay đã trở nên quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế. Do vậy, nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra chính sách mới để quản lý, điều chỉnh thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục biến động. Một thực tế không quá khó để nhận diện là đại bộ phận người dân không còn cơ hội sở hữu nhà ở tại khu vực đô thị và như vậy, nhu cầu nhà cho thuê sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng hiện nay, thị trường này chưa được giới đầu tư quan tâm. Ở nhiều đô thị đã xảy ra tình trạng các hộ dân tự xây dựng chung cư mini để cho thuê hoặc bán. Điều này, không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng đô thị, mà còn có thể kéo theo không ít hệ lụy.
Dân số nước ta phân bố không đều và có xu hướng tăng mật độ tại các thành phố lớn. Do vậy, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, hình thành các khu chung cư cho thuê là giải pháp phù hợp nhất với thu nhập của đại bộ phận người dân và đáp ứng nhu cầu cần cải thiện chỗ ở. Nhưng đây cũng là bài toán không dễ giải trong thực tế.
Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu mô hình phát triển nhà ở phù hợp với từng địa phương, từng khu vực, cụ thể như: Đối với khu vực đô thị có mật độ dân số cao, nhất là tại các thành phố lớn; duy trì quy định ưu tiên quỹ đất để phát triển nhà chung cư cao tầng, hạn chế phát triển nhà ở riêng lẻ… Điều này hoàn toàn đúng, nhưng nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng đưa ra các giải pháp can thiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đồng bộ, đa dạng với các loại nhà để bán, cho thuê và có một chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội phù hợp thì bài toán trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thực tế, nếu không giải quyết tốt bài toán này, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục xảy ra những cơn "ấm, lạnh" khác thường. Và sau đó là hàng loạt vấn đề không dễ kiểm soát, bởi lẽ khi các dự án nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu thì nạn đầu cơ, đẩy giá… vẫn còn đất để hoành hành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.