Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau 3 ngày triển khai thí điểm: Hàng rong, rác thải "tấn công" không gian đi bộ

Bảo Hân| 04/09/2016 17:37

(HNMO)- Sau 3 ngày, nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng về các bãi gửi xe quá tải, nhiều tuyến phố ngập trong rác thải... cho thấy còn nhiều vấn đề mà Thành phố cần rút kinh nghiệm trong thời gian thử nghiệm để có được một không gian trọn vẹn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách quốc tế.

"Biển" người đổ về phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm mỗi tối


Hàng ngàn, hàng vạn người đổ về các tuyến phố trung tâm của Hồ Gươm thảnh thơi dạo bộ, hoà mình vào không khí náo nức nhộn nhịp của lễ hội, tham gia các trò chơi truyền thống... đã cho thấy sức hút vô cùng lớn từ không gian này. Tuy nhiên, sau 3 ngày, nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng về các bãi gửi xe quá tải, nhiều tuyến phố ngập trong rác thải... cho thấy còn đó nhiều vấn đề mà Thành phố cần rút kinh nghiệm trong thời gian thử nghiệm để có được một không gian trọn vẹn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và du khách quốc tế.

Có xe dừng là ách tắc, nhiều bãi gửi xe quá tải

Đại uý Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 CATP Hà Nội cho biết đã bố trí 6 tổ tuần tra 24/24h tại 8 chốt cấm cứng ở khu vực không gian đi bộ trong suốt thời gian từ 19h00 ngày 1/9 cho đến thời điểm hiện nay. Các tổ công tác có nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đặt ra, bảm đảm trật tự, an toàn cho không gian đi bộ.

Các chiến sĩ Đội CSGT số 1 đã có những ca trực liên tục từ 6h sáng đến 2h đêm để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho không gian đi bộ


Hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị đã phải liên tục làm việc trong các ca trực kéo dài từ 6h sáng đến 2h đêm. Ngoài ra, Phòng CSGT đã tăng cường thêm cho Đội 58 cán bộ chiến sĩ, đều là những người đã từng công tác tại Đội, có kinh nghiệm làm việc tại khu vực Phố cổ.

"Do cấm đường, lượng phương tiện đổ dồn ra tuyến Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Quang Trung gia tăng đột biến. Do đó, các chốt công tác thuộc Đội CSGT số 1 phải "căng mình" trong công tác phân luồng, không để xảy ra ùn tắc.

Đặc biệt, tại một số điểm trong xe được bố trí chưa hợp lý, ví dụ tuyến Hai Bà Trưng, đoạn vải hè từ Hàng Bài đến Quang Trung, Hàng Bài đến Bà Triệu, việc tận dụng vỉa hè làm nơi trông xe đã làm kín mất lối đi cho người đi bộ. Khách bộ hành phải đi xuống lòng đường nên dễ gây ách tắc.

Ngoài ra, các chủ phương tiện khi đến gửi xe hoặc lấy xe ra về, thường đứng chờ nhau dưới lòng đường, gây cản trở phương tiện dồn ra từ Hai Bà Trưng.

Do tâm lý chung ai cũng muốn đi vào khu vực không gian đi bộ gần nhất nên mọi người đều dồn xe vào gửi trên phố Hai Bà Trưng, dẫn đến các bãi gửi xe tại đây bị quá tải. Toàn bộ tuyến phố luôn rơi vào cảnh đông đúc.

Trong không gian quá đông đúc phương tiện và người đi bộ, hễ có xe dừng là xảy ra ách tắc


"Ý thức của nhiều người tham gia giao thông chưa tốt. Một số phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe taxi, thường xuyên dừng đỗ, đi vòng vo đón trả khách sai quy định đã khiến các Tổ tuần tra vất vả phân luồng, yêu cầu di chuyển nhanh, bởi hễ có xe dừng là sẽ xảy ra ùn ứ. Nhiều người không đội mũ bảo hiểm hoặc chở đôi, chở ba, tạo nên hình ảnh phản cảm.

Đặc biệt, trước tình trạng số lượng bán hàng rong tràn xuống đường quá nhiều, Đội CSGT số 1 đã trao đổi với CA quận Hoàn Kiếm để xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới" - Đại uý Nguyễn Minh Đức cho biết.

Hàng rong "bủa vây" khắp các phố đi bộ

Cũng liên quan đến "vấn nạn" hàng rong tại không gian đi bộ, chị Nguyễn Phương Anh, phụ trách Đội Hỗ trợ du lịch Thăng long - Hà Nội cho biết, tại các khu phố đi bộ, mật độ người bán hàng rong dày đặc. Cứ khoảng từ 1-2 m lại có một người bán đồ ăn như xúc xích hoặc nước uống. Cảm giác như người bán hàng rong khắp thành phố đều dồn về phố đi bộ Hồ Gươm vào những ngày qua.



Hàng rong xuất hiện khắp mọi nơi tại các tuyến phố đi bộ. Ảnh Ngọc Thành, VNExpress


Cũng không có gì khó hiểu bởi lượng du khách hàng ngàn, hàng vạn người tập trung về khu vực trung tâm của Thủ đô là cơ hội "vàng" để họ có thể kiếm sống với việc chỉ bán chai nước mát hoặc vài món đồ ăn vặt , ăn nhanh. Điều đáng nói ở đây là giấy ăn, que xiên xúc xích, cốc uống một lần, bao túi ni-lông... sau khi ăn bị vứt la liệt tại chỗ. Lượng người bán hàng rong lớp chính là một trong những "nguồn rác" khổng lồ tạo ra cho các tuyến phố đi bộ những ngày qua.


"Người người, nhà nhà đều tập trung về Hồ Gươm. Đặc biệt trong tối khai mạc 1/9 và tối ngày 2/9, lượng khách đông tới mức có cảm giác như chỉ có người với người, không còn không gian để hoạt động, không còn không khí để thở. Và nghiễm nhiên, trong biển người như thế, sẽ gây quá tải về rác. Dưới chân lúc nào cũng có rác" - Chị Nguyễn Phương Anh kể lại.

Hàng rong tới đâu, rác thải ngập tới đó


Một bất cập tiếp theo là đã xuất hiện tình trạng bán hàng với giá "cắt cổ". Tại khu vực Hồ Gươm chỉ bố trí một điểm bán nước đặt tại khu vực gần kem Thuỷ Tạ nên mọi người phải xếp hàng dài mới đến lượt mua nước uống. Do đó, nhiều người đã tìm đến các quán cà phê để mua nước uống. Và để có một chai nước khoáng nhỏ, ngày thường vẫn được bán với giá 5.000 đồng, thì trong dịp vừa qua, khách hàng phải trả tới 37.000 đồng. Tình trạng đội giá xuất hiện tại rất nhiều hàng quán do hầu như quán xá nào cũng trong tình trạng.. đuổi khách đi không hết, chẳng khi nào còn một chỗ trống.

"Cho tôi xin rác"... mà không ai cho!

Phân trần về vấn nạn... rác, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong những ngày qua, các công nhân của Công ty phải làm việc liên tục 3 ca/ngày, tăng số lượng lên 3 lần so với ngày bình thường. Mỗi ca bố trí là 11 người, liên tục làm việc 24/24h.

Riêng xe quét, hút ngày bình thường chỉ làm một lượt thì trong ngày 2/9 phải huy động tới 4 lượt. Các xe tải nhỏ loại 500kg thì phải cứ 2 tiếng một lần lại phải đi thu rác trên khu vực phố cổ. Riêng lượng rác thu ngày 2/9 là 237 tấn, trội hơn so với ngày bình thường khoảng 25 tấn.

Công nhân vệ sinh môi trường căng mình làm vẫn không xuể


"Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đã lắp đặt 50 thùng rác đôi loại 70 lít để người dân bỏ rác. Nhưng qua theo dõi trong 3 ngày vừa qua, người dân chưa có ý thức bỏ vào thùng rác nhiều. Nhất là trong buổi tối, sau khi ăn uống xong, nhiều người vứt luôn rác thải ra mặt đường. Giấy ăn, cốc uống, chai nước, que kem... ngổn ngang, bừa bãi khắp nơi.

Các công nhân môi trường, dù được huy động lực lượng lớn vẫn phục vụ không xuể. Đặc biệt là sau 12 giờ đêm, khi người đi bộ đã ra về thì mới là lúc công ty được đưa xe cộ, máy móc và tăng cường thêm quân số để dọn rác, trả lại các tuyến phố sạch đẹp cho ngày hôm sau.

Cũng đã có nhiều gia đình khi thấy các công nhân vệ sinh môi trường quá vất vả mà vẫn dọn không xuể nên nên đã tự nguyện cầm túi đi thu gom rác cùng. Hoặc các thanh niên tình nguyện đi theo du khách, họ vứt ra đến đâu sẽ nhặt đến đó, coi như một hình thức nhắc nhở trực tiếp.

200 thanh niên tình nguyện thuộc đội vệ sinh môi trường cùng d


200 thanh niên tình nguyện thuộc đội vệ sinh môi trường dốc sức làm sạch đẹp cho mỗi tuyến phố


"Tại các thùng rác đều có ghi dòng chữ "Hãy cho tôi xin rác" vậy mà đáng buồn là nhiều người lại không cho. Sau 3 ngày đầu triển khai thí điểm, điều chúng tôi mong mỏi lớn nhất là người dân sẽ nâng cao ý thức, giúp bảo đảm vệ sinh đô thị, bỏ rác vào thùng, chỉ một việc làm nhỏ nhưng sẽ giúp đường phố sạch đẹp hơn, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp chung cho toàn bộ không gian đi bộ" - ông Dũng bày tỏ.

Như vậy, bên cạnh những tín hiệu khởi đầu đầy tốt đẹp, bước đầu chứng minh cho một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Hà Nội khi triển khai thí điểm không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận, thì còn đó còn đó không ít hình ảnh chưa đẹp mắt, cần được khẩn trương rút kinh nghiệm, xử lý triệt để để trả lại nguyên vẹn một không gian đi bộ sạch đẹp, an toàn và bình yên cho mỗi người yêu Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau 3 ngày triển khai thí điểm: Hàng rong, rác thải "tấn công" không gian đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.