Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát cánh cùng nhà đầu tư

Thiện Mỹ| 28/09/2021 06:03

(HNM) - Thời gian qua, việc tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta và nhiều quốc gia khác đã khiến chuỗi cung ứng của không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị gián đoạn; chuyên gia và lao động nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh; lưu thông hàng hóa đình trệ; chi phí hoạt động tăng do phải “cõng” thêm kinh phí phòng, chống dịch...

Theo công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hồi đầu tháng 9, thu hút đầu tư nước ngoài toàn cầu sụt giảm 38%, mức thấp nhất từ năm 2005. Khu vực châu Âu giảm tới 71%; khu vực Đông Nam Á giảm 31%, trong đó Malaysia giảm 68%, Thái Lan giảm 50%...

Với Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, số dự án giảm 37,8%, mức giải ngân vốn giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020... Dù đà suy giảm mang tính tạm thời vì là xu hướng chung và làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đã dần được khống chế, nhưng nếu không sớm hành động, Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi dịch bệnh được kiểm soát.

Do đó, cần thẳng thắn phân tích đâu là điểm hạn chế trong môi trường đầu tư ở Việt Nam; yêu cầu chính đáng nào của nhà đầu tư mà chúng ta chưa đáp ứng được; làm thế nào để giảm thiểu hạn chế của nhà đầu tư do ảnh hưởng của dịch bệnh (qua điều tra, khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đối với 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn)...

Trong bối cảnh sự cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, các bộ, ngành phải chạy đua với thời gian để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Cùng với đó, có chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; rút gọn thủ tục nhập cảnh, giảm thời gian cách ly, mở rộng đối tượng chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; sớm hoàn thiện Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, giảm thiểu “gánh nặng” chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động... 

Chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn, một nhà máy. Do đó, một giải pháp rất quan trọng là, các bộ, ngành cần xây dựng các quy định thống nhất, tạo điều kiện tối đa cho việc vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm; chuyên gia, lao động tay nghề cao, công nhân di chuyển giữa các địa phương, tránh tình trạng các địa phương có quy định khác nhau.

Đối với các địa phương, cần tăng cường tổ chức các hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ để lắng nghe những kiến nghị chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó triển khai phục hồi sản xuất trong “tình hình mới” một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa phương; chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh…

Về phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần chung tay với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”...

Để ngăn đà suy giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh, việc sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương là yếu tố mang tính quyết định. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể vừa giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu, vừa thu hút nhà đầu tư mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sát cánh cùng nhà đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.