Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sarkozy - Cuộc hạ cánh không an toàn

Phương Quỳnh| 16/05/2012 06:56

(HNM) - Sau lễ chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Pháp Francois Hollande - vào hôm qua (15-5), ông Nicolas Sarkozy sẽ trở về cuộc sống bình thường cùng người vợ xinh đẹp Carla Bruni.


Theo Hiến pháp của nước Pháp, Tổng thống đương nhiệm không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc pháp lý nào và cũng không bị điều tra hay truy tố trong vòng một tháng sau khi rời khỏi chức vụ. Như vậy, đặc ân của một Tổng thống sẽ chấm dứt với ông N.Sarkozy vào giữa tháng 6 tới.

Cựu Tổng thống Pháp N. Sarkozy khó có thể nghỉ ngơi thoải mái trong những ngày tới.


Cáo buộc đầu tiên mà ông N.Sarkozy phải đối mặt là những nghi vấn xung quanh chuyện đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của ông đã nhận tiền tài trợ bất hợp pháp từ người phụ nữ giàu nhất nước Pháp Lilian Bettencourt - bà chủ hãng mỹ phẩm nổi tiếng L'Oreal - trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Luật bầu cử Pháp quy định, mỗi cá nhân chỉ được quyên góp tiền cho chính đảng mà mình ủng hộ tối đa 4.600 euro. Vì vậy, các nhà điều tra sẽ xác minh liệu ê kíp vận động tranh cử của ông Sarkozy năm đó có nhận 800.000 euro của bà Bettencourt hay không và số tiền chuyển từ tài khoản của ngân hàng Thụy Sĩ được đưa vào quỹ tranh cử hay vào túi riêng của cựu Tổng thống. Đầu tháng 2-2012, Eric Woerth, cựu Bộ trưởng Tài chính kiêm thủ quỹ đảng UMP của ông Sarkozy, cũng đã bị điều tra quanh cáo buộc này. Bản thân ông Sarkozy cũng có thể thành tâm điểm của một cuộc điều tra khác với cáo buộc sử dụng bộ phận tình báo bí mật để nghe lén các nhà báo của thời báo danh tiếng Le Monde nhằm tìm hiểu nguồn tin đã giúp phanh phui vụ việc liên quan đến bà Bettencourt.

Bên cạnh những rắc rối liên quan tới tài chính, Tổng thống vừa mãn nhiệm của nước Pháp còn có nguy cơ phải đối mặt với "vụ án Karachi" - thương vụ mua bán tàu ngầm lớp Agosta của Chính phủ Pháp cho Chính phủ Pakistan hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Các cáo buộc hiện tại cho rằng, số "tiền lại quả" lớn từ hợp đồng vũ khí này đã bí mật chảy vào quỹ tranh cử Tổng thống của ông Edouard Balladur. Vào thời điểm đó, ông Sarkozy đang giữ chức Bộ trưởng Ngân sách kiêm phát ngôn viên của ứng cử viên Tổng thống Edouard Balladur. Nghi án này có thể trở thành cuộc điều tra tham nhũng chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước hình Lục lăng thời gian gần đây.

Chưa hết, mới đây, trang tin điều tra Mediapart công bố tài liệu cho thấy cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã chi tới 50 triệu euro hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của ông N. Sarkozy năm 2007. Dù Tổng thống bị thất sủng của nước Pháp đã kiện Mediapart và khẳng định tài liệu đó là "giả mạo", song vụ việc này vẫn khiến các cơ quan điều tra Pháp vào cuộc.

Ngay sau ngày bị thất cử, trong cuộc họp báo tại Điện Élysée, cựu Tổng thống N.Sarkozy đã tuyên bố quyết định không tranh đấu cho một ghế tại Nghị viện trong cuộc bầu cử vào tháng 6 sắp tới và giã từ sự nghiệp chính trị. Song, có lẽ giấc mơ về "một cuộc sống bình thường" như mong muốn của cựu Tổng thống Pháp sẽ chưa thể hoàn toàn thành hiện thực trong thời gian tới, bởi dù chưa biết kết quả điều tra ra sao, nhưng với những vụ việc là được xem là "khó nhằn" ngay cả với những luật sư trứ danh của nước Pháp cũng đủ làm đảo lộn dự định "điền viên" lúc về hưu của cựu luật sư 57 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sarkozy - Cuộc hạ cánh không an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.