(HNM) - Tính đến thời điểm này mới chỉ có hơn 10 ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Tại các đại hội cổ đông, cùng với các con số về cổ tức, lợi nhuận thì chuyện "nóng" nhất là việc sáp nhập ngân hàng. Hai "đại gia" đã "lộ diện" nhận sáp nhập 2 ngân hàng có quy mô nhỏ hơn...
Mùa đại hội cổ đông của ngành ngân hàng vốn được coi là "xương sống" của nền kinh tế lại một lần nữa làm các diễn đàn sôi động. Đầu tiên là chuyện cổ tức, với sự "úp mở" của một vài ngân hàng về nguy cơ cắt giảm vài phần trăm so với kế hoạch đưa ra từ mùa đại hội trước. Tuy nhiên, với hầu hết cổ đông, điều này cũng dễ dàng chấp nhận, bởi trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, cổ đông cần phải chia sẻ những kết quả không mấy khả quan của ngân hàng. Trên thực tế, những cổ đông được chia cổ tức cho dù thấp hơn so với dự kiến vẫn là may mắn, vì có những cổ đông lại không thể được nhận cổ tức với lý do ngân hàng còn cần nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại một ngân hàng thuộc vào nhóm lớn nhất hệ thống, trong đại hội cổ đông mới đây, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã tuyên bố dành lợi nhuận của năm 2014 cho hoạt động kinh doanh, nên sẽ không chia cổ tức cho cổ đông trong vòng 3-5 năm nữa.
Câu chuyện khác cũng “nóng” không kém chính là việc các ngân hàng lớn nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ hơn. Tại đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), HĐQT của ngân hàng này đã báo cáo về kế hoạch sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào BIDV. Đây là một trong những bước đi của lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. MHB được thành lập năm 1997, sau 17 năm hoạt động, tổng tài sản của MHB tăng hơn 110 lần so với ngày đầu thành lập, chất lượng tài sản được bảo đảm, nằm trong top 10 ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam (gồm 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh/thành phố trong cả nước), dư nợ tín dụng dành cho ĐBSCL chiếm 50% dư nợ toàn hệ thống. Với nguyên tắc "giữ nguyên trạng và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1", lãnh đạo BIDV khẳng định, việc sáp nhập sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động sau khi sáp nhập. Việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, khách hàng, mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong mảng nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của BIDV trở thành định chế tài chính mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới. Với đề án sáp nhập này, BIDV đã đặt mục tiêu năm 2015 là tăng trưởng nguồn vốn 16,5%, dư nợ tín dụng tăng 16%, lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ chi trả cổ tức hơn 9%.
Cùng với BIDV, khả năng Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) "kết hôn" với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã được xác nhận tại đại hội cổ đông của VietinBank. Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của VietinBank, HĐQT ngân hàng này khẳng định, với định hướng xây dựng VietinBank trở thành ngân hàng hàng đầu, có quy mô năng lực xứng tầm khu vực, VietinBank đã nỗ lực tìm kiếm, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank. Tiền thân của PGBank là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập năm 1993, vốn điều lệ hiện tại là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản 25.779 tỷ đồng, tín dụng đạt 14.507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 168 tỷ đồng. Cổ đông chiến lược của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, với 40% vốn điều lệ, có lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên, dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trải dài trên toàn quốc, có thế mạnh về dịch vụ ngoại hối và phái sinh… Việc sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ giúp nhà băng này có cơ hội phát triển mới, hướng đến một mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Petrolimex và VietinBank. Lãnh đạo của VietinBank cũng cho biết, HĐQT ngân hàng đã đàm phán với HĐQT PGBank nhằm chuẩn bị các tiền đề cho các giao dịch sáp nhập. HĐQT cũng đã thuê đơn vị tài chính độc lập xây dựng dự thảo đề án sáp nhập và hợp đồng sáp nhập.
Mới chỉ có hơn một chục ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông, nhưng đã có 4 cái tên ngân hàng được nhắc đến trong các thương vụ sáp nhập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này còn tăng, bởi nhiều ngân hàng vẫn chưa tổ chức đại hội cổ đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.