(HNMO)-Trong mùa đại hội cổ đông thường niên 2013, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã xin ý kiến về việc sáp nhập, hợp nhất. Diễn biến này báo hiệu thời gian tới việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Tiến trình hợp nhất giữa WesternBank và PVFC có thêm bước tiến quan trọng |
Ngày 25-4, Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2013. Tại đại hội, nhiều vấn đề quan trọng được thông qua nhưng đáng chú ý là đại hội đã thông qua việc mua lại một công ty tài chính tiêu dùng để chuyển thành công ty con và trình phương án hợp nhất sáp nhập một ngân hàng khác vào HDBank. Ngân hàng khác đó được cho là Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Được biết, thông tin hợp nhất hai ngân hàng này đã được nhắc đến từ năm 2012, đặc biệt là sau khi có một số giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại DaiABank, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương này khá lâu, từ năm 2012. Tuy nhiên, thông tin chính thức và chi tiết về lộ trình sáp nhập chưa được các bên liên quan công bố.
Tại đại hội cổ đông Ngân hàng Quân đội (MB) diễn ra ngày 24-4, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã có 4-5 ngân hàng muốn sáp nhập vào MB. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thì đa số các ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu, vì thế hiện MB tiếp tục tìm kiếm cơ hội sáp nhập.
Gần đây nhất, sáng 26-4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013. Và điểm đáng chú ý là Hội đồng Quản trị Eximbank trình đại hội đồng cổ đông xem xét, chấp thuận về chủ trương nghiên cứu, sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác là ngân hàng thương mại. Việc sáp nhập này là nhằm cơ hội tốt cho sự phát triển của Eximbank trong tương lai và nắm thế chủ động khi có điều kiện thuận lợi mở rộng quy mô hoạt động.
Theo dự đoán, Ngân hàng mà Eximbank hướng đến là Sacombank, bởi tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của Sacombank diễn ra hôm 25-4, cơ cấu Hội đồng Quản trị Sacombank có thêm 3 thành viên mới; trong đó có ông Nguyễn Gia Định, nguyên Phó tổng giám đốc Eximbank, hiện là Tổng giám đốc Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Eximbank.
Hơn nữa, trước đó, ngày 29-1 vừa qua, Eximbank và Sacombank đã cùng ký một bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có định hướng sáp nhập. Tại lễ ký, lãnh đạo Eximbank cho biết hai bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình Đại hội đồng cổ đông và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất và sáp nhập trong vòng từ 3 đến 5 năm tới nhằm nâng cao thế mạnh, mở rộng thị phần, tăng cường sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
Điểm đặc biệt tại đại hội cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) cũng diễn ra sáng 26-4 là ông Võ Trọng Thủy-thành viên HĐQT đã báo cáo trước đại hội xin thông qua các tài liệu liên quan việc hợp nhất giữa WesternBank và PVFC. Theo bản dự thảo hợp đồng hợp nhất, phương thức hợp nhất vốn giữa WesternBank và PVFC được tính căn cứ dựa trên vốn và tài sản của hai bên và sẽ được chuyển giao cho ngân hàng hợp nhất vào ngày hợp nhất. Vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, ứng với 900 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũ của hai bên sẽ được hoán đổi trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của ngân hàng hợp nhất và được hưởng mọi quyền, lợi ích và có đầy đủ các nghĩa vụ với tư cách là cổ đông của ngân hàng hợp nhất…
Với tỷ lệ đồng thuận 100%, tiến trình hợp nhất giữa Westernbank và PVFC tiếp tục có thêm bước tiến quan trọng. Đây không chỉ là sự xác nhận, nỗ lực từ cả hai phía mà còn có thêm sự ủng hộ nhiệt tình từ các cổ đông Ngân hàng trong giai đoạn tiền hợp nhất.
Với diễn biến này, có thể thấy, sẽ có nhiều thương vụ việc sáp nhập, hợp nhất trong ngành ngân hàng trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, sáp nhập, hợp nhất là một xu thế tất yếu bởi đây là giải pháp "vàng" đối với các ngân hàng yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế mới trải qua khủng hoảng. Hơn nữa, nước ta đã hội nhập với quốc tế, muốn cạnh tranh và có thể tồi tại được thì các ngân hàng phải mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.