(HNM) - Tái thiết di sản công nghiệp là góp phần tái sinh khu vực đô thị, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời tạo ra những giá trị cho nền kinh tế sáng tạo. Trong bối cảnh thành phố Hà Nội tiến hành di dời các cơ sở công nghiệp trong nội đô, câu chuyện khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ những công trình này tiếp tục được đặt ra, nhằm thúc đẩy sáng tạo trong tái thiết di sản công nghiệp, bảo đảm hạ tầng xã hội, cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị, tạo dấu ấn đậm nét về Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Thiếu những mô hình kiểu mẫu
Di sản công nghiệp là khái niệm chỉ những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các giá trị lịch sử, xã hội, khoa học, công nghệ, thẩm mỹ kiến trúc... Là phần không thể tách rời trong di sản văn hóa nói chung, di sản công nghiệp phản ánh những thành tựu vượt bậc, mang tính cách mạng trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Với những đặc trưng này, việc tái thiết di sản sau khi tách rời công năng cũ là rất quan trọng, nhằm đem đến cho di sản đời sống mới, bảo đảm hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo Phó Giáo sư, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan (đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam), khái niệm di sản công nghiệp còn khá mới mẻ và chưa được pháp lý hóa. Những nội dung này mới chỉ đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia, chưa được đưa vào hệ thống giảng dạy. Vì vậy, việc “dán nhãn” để bảo vệ loại hình di sản này còn tương đối khó khăn.
Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, ở nước ta vẫn chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Trong quá trình phát triển công nghiệp từ trước tới nay, cũng chưa từng đề cập các yếu tố về di sản văn hóa. Đứng trước kế hoạch di dời 9 nhà máy công trình cũ ở khu vực nội đô Hà Nội, sẽ rất đáng tiếc nếu tiếp cận những khu đất đó theo hướng khai thác chuyển đổi thành khu đô thị và chỉ có giá trị về mặt kinh tế…
Còn theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, các nội dung và hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa là lĩnh vực khá mới mẻ và thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm. Song, thành phố rất quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của Hà Nội.
Khai thác những giá trị mới
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố (đợt 1), gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy bia Hà Nội, Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên In Báo Hànộimới.
Với chủ trương này, Hà Nội đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn trong tái thiết những di sản công nghiệp, nhằm bảo đảm tiêu chí phát triển bền vững đô thị, tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo và mang lại các giá trị kinh tế cho địa phương. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã kiến nghị các sáng kiến, giải pháp tái thiết, vận hành nguồn tài nguyên di sản công nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Theo kiến trúc sư Phạm Trung Hiếu (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), tái thiết các công trình trên thành các không gian văn hóa sáng tạo cùng các công trình cụ thể, tương ứng với các thành tố: Bảo tồn thích ứng di sản giá trị - kiến tạo không gian sáng tạo cộng đồng - không gian khuôn viên cây xanh. Ba thành tố này được gắn kết lại với hệ thống không gian cảnh quan sống động.
Với kinh nghiệm thực tế từ chuyển đổi nhà máy sản xuất cũ thành không gian sáng tạo 282 Design tại quận Long Biên - công trình thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng sáng tạo thời gian gần đây, kiến trúc sư Phạm Thanh Huy cho biết, điểm đặc biệt sau khi chuyển đổi là khai thác không gian phần lớn là thiên nhiên. Tất cả vật liệu sắt, thép, gỗ cũ đều được đơn vị 282 Design chủ động tái sử dụng để tạo ra những khối nhà với chức năng phân tách giữa các hoạt động workshop và sản xuất. Không gian này chính là khoảng thở, làm giảm sự ngột ngạt của vùng trung tâm Hà Nội.
Còn theo bà Emma Westerduin, Trưởng nhóm thiết kế của Công ty Except Integrated Sustainability (Hà Lan), việc tái thiết kho tàu cũ nát của đường sắt Hà Lan thành không gian làm việc Utrecht Community (Uco) đã cung cấp cho Uco không gian làm việc, hội họp và trình diễn rộng tới 1.800m2.
“Tuy khởi tạo từ một kho tàu cũ được xếp hạng di sản, tòa nhà Uco vẫn thiết kế và tuân theo các tiêu chuẩn trong suốt quá trình cải tạo, bảo đảm tính trung hòa về năng lượng một cách đáng kinh ngạc. Trong quá trình này, Uco còn xem xét từng chi tiết để tìm ra các giải pháp bền vững, đầy đủ chức năng nhất có thể…”, bà Emma Westerduin nêu kinh nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.