(HNM) - Phong trào “Ba đảm đang” được xem là mốc son trong lịch sử phụ nữ Việt Nam, góp phần vào chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược và huyện Đan Phượng là nơi khởi nguồn của phong trào đó. Truyền thống của quê hương "Ba đảm đang" tiếp tục được các thế hệ phụ nữ trên địa bàn huyện tiếp nối, góp sức xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Từ đốm lửa thành phong trào lớn
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy, đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, Hội đã xin ý kiến Huyện ủy phát động phong trào thi đua “Ba đảm nhiệm”. Ngày 16-3-1965, sau một tuần phát động, cả huyện đã có 5.635 phụ nữ nộp đơn đăng ký tham gia. Hai ngày sau, trên trang nhất Báo Nhân Dân đăng tin phụ nữ Đan Phượng phát động phong trào "Ba đảm nhiệm", gây được tiếng vang lớn. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá cao 3 nội dung của phong trào và quyết định nhân rộng thành một cao trào khắp miền Bắc, với ba nội dung rút gọn: Đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết.
Sau 2 tháng, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến phong trào của phụ nữ và chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Trong "Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965", Người viết: "Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt "Ba đảm đang", góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, phụ nữ huyện Đan Phượng "tay cày, tay súng" thi đua sôi nổi. Tại các xã Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Phương Đình, tất cả tranh thủ làm đất ban đêm để kịp thời vụ gieo trồng hoa màu. Chỉ trong một tuần lễ, phụ nữ 4 xã trên đã cày bừa xong 2.500 mẫu bãi. Năm 1970, tỉnh Hà Tây tổ chức hội thi những người cấy giỏi toàn tỉnh theo kỹ thuật mới, cặp cấy chị Chín, chị Thụy tại xã Song Phượng đã giành giải Nhất với mức cấy 4 sào 9 thước một ngày. Với những đóng góp của các chị, Đan Phượng trở thành huyện có cánh đồng đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên của miền Bắc. Ngoài ra, phụ nữ các xã còn tổ chức những đợt thi đua gắn với các phong trào “Ba không, ba đảm", “Nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Hai con, ba cây” (con lợn, con cá, cây ngô, cây lúa, cây dâu)...
Sau khi phát động phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Đan Phượng đã viết hàng trăm lá thư động viên chồng con yên tâm chiến đấu và một trong những lá thư đó đã được in trên Báo Quân đội nhân dân (số 1180, ngày 18-2-1965). Có chị là vợ liệt sĩ chỉ có một người con trai mà 4 - 5 lần viết đơn xin cho con nhập ngũ, như các chị: Bùi Thị Lập (Đan Phượng); Trần Thị Ngũ, Nguyễn Thị Bảy (Tân Lập); Nguyễn Thị Liêm (Trung Châu)... Tính đến năm 1973, huyện Đan Phượng có 1.643 phụ nữ có chồng đi chiến đấu, 4.046 bà mẹ có từ 1 đến 5 con nhập ngũ.
Phụ nữ Đan Phượng cũng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1975, tỷ lệ phụ nữ vào dân quân chiếm 75%. Cả 16 xã, thị trấn đều có trung đội dân quân nữ cơ động và trung đội dân quân có con nhỏ. Tại trận địa đều có những tay súng nữ ngày đêm luân phiên nhau trực chiến. Điển hình là các trung đội dân quân nữ các xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Song Phượng... Đặc biệt, Trung đội dân quân nữ xã Song Phượng đã chiến đấu với giặc suốt 43 trận mà vẫn vững tay súng. Trong chiến đấu đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nổi bật là tấm gương 4 nữ dân quân: Tạ Thị Gái, Ngô Thị Lâm, Quách Thị Hợi, Bùi Thị Lấu trực chiến bảo vệ đập Đáy ngày 28-4-1967, được tỉnh Hà Tây truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đập Phùng”.
Sau 10 năm phát động phong trào "Ba đảm đang", Đan Phượng trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp cho tiền tuyến nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Tiếp nối truyền thống tự hào
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn cho biết, phát huy truyền thống, phụ nữ huyện Đan Phượng đang tích cực góp sức mình cho phát triển quê hương. Đặc biệt, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng) Đặng Thị Cuối là một trong những ví dụ điển hình. Chị Cuối chia sẻ, hợp tác xã có hơn 5ha trồng rau theo hướng hữu cơ, mỗi tháng thu khoảng 7-8 tấn rau sạch, cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện và 3 chuỗi cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố. Hợp tác xã tạo việc làm cho gần 20 lao động.
Là địa phương có diện tích cần giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Hà Nguyễn Thị Dung cho biết, hội đã cùng với các cụm dân cư tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ đồng thuận, ủng hộ chủ trương của thành phố. Trong đó, cụm dân cư số 4 có 3 hội viên, đó là các chị: Nguyễn Thị Thu, Đinh Thị Hưởng, Nguyễn Thị Cúc đã bàn giao sớm mặt bằng để địa phương xây dựng nghĩa trang mới, phục vụ công tác di chuyển mộ...
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền, nhằm giáo dục truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” cho các thế hệ trẻ, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong huyện, tháng 10-2008, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định xây dựng Tượng đài kỷ niệm phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" nằm ở vị trí ngã ba trung tâm thị trấn Phùng. Năm 2021, Huyện ủy Đan Phượng đã biên tập cuốn: Tập bài giảng lịch sử huyện Đan Phượng, trong đó bài giảng về truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang” được giảng dạy cho học sinh lớp 10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.