(HNM) - Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giặc Pháp đã trở lại gây hấn tại Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai.
Thật ra trước đó, từ chiều ngày 2-9-1945, bọn phản động đã có thái độ khiêu khích khi bắn vào đoàn người dự mít tinh đón nghe bản Tuyên ngôn độc lập. Chúng núp sau lưng quân Anh, vốn là lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16.
Quân Anh thỏa thuận với quân Nhật để thả 1.500 tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho bọn này thành những đơn vị lê dương. Ngày 20-9, chúng đóng cửa các tòa báo của ta. Ngày 21-9 chúng chiếm trụ sở cảnh sát ở quận 3. Ngày 22-9, chúng chiếm Đài phát thanh. Sáng ngày 23-9, hai sư đoàn thiết giáp của Anh cùng với quân Nhật "che" cho 6.000 lính Pháp đánh chiếm các công sở Sài Gòn. Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã họp phiên khẩn cấp ở một địa điểm trên đường Cây Mai (Chợ Lớn) quyết định một số đối sách khẩn trương, ban hành Lệnh kháng chiến. Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nhất tề hưởng ứng, các tầng lớp nhân dân tiến hành bãi công, bãi thị, bãi khóa khiến mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đơn vị thanh niên tiền phong, công đoàn xung phong, đã nhanh chóng phối hợp với những đơn vị tự vệ dựng chướng ngại vật, công sự, ụ chiến đấu nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù. Nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và quân Pháp đã xảy ra tại cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu Chữ Y… Chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định ta đã diệt 200 tên địch. Ngày 26-9-1945, chỉ sau 3 ngày Nam bộ kháng chiến bùng nổ, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Chính phủ gửi bức thư đầu tiên vào Nam kêu gọi đồng bào "thà chết tự do còn hơn sống nô lệ" tạo niềm tin sắt đá cho nhân dân miền Nam. Kế hoạch bình định Nam bộ trong 3 tuần của Pháp phá sản. Được sự chi viện của các tỉnh Nam bộ, quân dân Sài Gòn đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà, ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời.
Những tin tức về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn, tiêu biểu là hình ảnh "ngọn đuốc sống" Lê Văn Tám đốt kho xăng giặc, đã làm rung động cả nước. Thanh niên miền Bắc, miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Đến giữa tháng 10-1945, chiến tranh lan rộng ra khắp các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ. Ngày 25-10-1945, hội nghị toàn xứ của Đảng bộ Nam kỳ tại Thiên Hộ (Mỹ Tho) đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng đẩy mạnh cuộc kháng chiến (du kích chiến làm chính) ở Nam bộ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh. Vào cuối tháng 11-1945, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng đã quyết định giải thể Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, thành lập Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ; chia Nam bộ thành ba quân khu (7, 8, 9) và chỉ định khu bộ trưởng, khu bộ phó, thống nhất lực lượng kháng chiến ở Nam bộ dưới sự chỉ huy của các quân khu; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, củng cố lực lượng vũ trang, tiến hành diệt tề trừ gian để hỗ trợ xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng bí mật sau lưng địch.
Nhân dân miền Nam đã thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Pháp và ngay sau đó là chiến tranh chống đế quốc Mỹ kéo dài 30 năm, đến khi Chiến dịch Mùa xuân lịch sử 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý được Bác Hồ tặng vào tháng 2-1946: "Thành đồng Tổ quốc".
35 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay, đã không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, tốc độ phát triển kinh tế luôn dẫn đầu cả nước. Nhiều khu đô thị mới ra đời, tiến hành chỉnh trang đô thị hiện hữu đẹp đẽ, thu hút vốn đầu tư nhiều nhất nước, chăm lo đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy mạnh các chương trình chăm sóc trẻ em và học đường… Trong buổi mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày Nam bộ kháng chiến (ngày 21-9-2010), ông Dương Quan Hà - Chủ tịch UB MTTQ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tinh thần đại đoàn kết kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc là truyền thống quí báu của nhân dân ta, được ngời sáng trong Nam bộ kháng chiến. Truyền thống ấy luôn được tiếp tục gìn giữ và nâng cao trong nhiều năm đấu tranh gian khổ tiếp theo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả trong thời bình xây dựng đất nước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.