Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi thời thanh niên sôi nổi

Việt Tuấn| 03/04/2011 07:06

(HNM) - Vào ngày cuối cùng của tháng 3-2011, một cuộc hội ngộ sau 35 năm, giữa những thanh niên Thủ đô đi tiền trạm trong giai đoạn 1976-1979 với những người tình nguyện ở lại xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng đã diễn ra tại Cung văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội. Ký ức những năm tháng sôi động của những TNXP năm xưa lại trở về với nhiều cung bậc cảm xúc…

Vụ mùa mới trên cao nguyên. Ảnh tư liệu


Kỷ niệm không phai mờ
"Năm 1976, chúng tôi chỉ mười tám, đôi mươi, ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu" háo hức, xung phong đến miền đất mới Lâm Đồng, dù biết phía trước đầy rẫy khó khăn, gian khổ, nhiều người lại chưa xa nhà bao giờ. Cái hào khí đó đã trôi qua 35 năm, nhưng ký ức đó vẫn không thể nào quên: thiếu thốn, lạ lẫm, thường xuyên đối mặt với bọ chó, ruồi vàng, thú dữ, Fulro sát hại… nhưng tôi và nhiều đồng đội vẫn kiên cường bám đất, bám rừng khai hoang, mở đường" - Ông Nguyễn Hữu Chiến xúc động mở đầu câu chuyện.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn, năm 1976 (19 tuổi), ông đã cùng đồng đội tình nguyện đến vùng đất mới Nam Ban, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Đầy khó khăn, thử thách, nhưng được sự chỉ đạo, hướng dẫn của tổ chức Đoàn, ông Chiến và nhiều người ổn định tư tưởng, đoàn kết vượt qua. Ngày thì làm đường, làm nhà, mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu cho vùng kinh tế mới Hà Nội; tối đến thì sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Tích cực trong mọi hoạt động, ông Nguyễn Hữu Chiến được tín nhiệm cử làm cán bộ đoàn Nông trường số 3 Lán Tranh, tiếp đến Phó Bí thư Đoàn thanh niên Vùng kinh tế mới Lâm Đồng, rồi năm 1981 ông được Thành đoàn Hà Nội điều ra làm Phó Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm. "16 năm làm cán bộ đoàn, 6 năm ở vùng kinh tế mới đầy gian nan, nhưng đó là quãng thời gian đẹp nhất, sôi nổi nhất và tôi luôn tự hào về điều đó" - ông Nguyễn Hữu Chiến chia sẻ.

Trong số hơn 2.000 thanh niên tiền trạm năm xưa, ông Phan Hữu Giản là người có nhiều kỷ niệm nhất, từ lúc vận động, đến tập hợp thanh niên lên đường vào Lâm Đồng, bởi ông nguyên là cán bộ Thành đoàn Hà Nội được chỉ định làm Bí thư Đoàn vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Ông Giản nhớ như in, ngày 29-3-1976, 125 thanh niên huyện Gia Lâm xuất quân vào vùng kinh tế mới, tiếp đến huyện Thanh Trì, Đông Anh, các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng… với tổng số 2.660 thanh niên. Vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Lâm Đồng với nhiều tiềm năng, nhưng cũng rất khó khăn, hoang sơ và nguy hiểm sau ngày mới giải phóng. Vậy mà chỉ sau 3 năm, bằng trí tuệ, sức lực của tuổi trẻ, vùng đất mới định hình với 1.900 héc ta đất khai hoang, 271km đường giao thông, nhiều cầu, cống được xây dựng bảo đảm việc đi lại cả mùa khô và mùa mưa, rồi hoàn thành 1.000 căn nhà, 117 giếng nước, 306 nhà vệ sinh, bước đầu đáp ứng việc đón nhân dân Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới.

Sau 10 năm xây dựng vùng kinh tế mới (1976-1986), thanh niên Hà Nội góp sức, biến vùng đất hoang sơ, cằn cỗi thành vùng đất dân sinh, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hấp dẫn thanh niên Thủ đô và nhiều tỉnh khác đến định cư, lập nghiệp, nhất là sau khi huyện Lâm Hà được thành lập đã mở ra giai đoạn mới cho vùng đất mới. Ông Phan Hữu Giản khẳng định: "Kết quả bước đầu đó có sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội, phát huy phong trào "Ba sẵn sàng", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... vững bước trong các đội hình TNXP tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mảnh đất cao nguyên".

Tuổi xuân nguyện dâng cho đất nước
Hoàn thành nhiệm vụ tiền trạm, năm 1979, gần 2.000 thanh niên trở lại Hà Nội, số còn lại tình nguyện tiếp tục lập nghiệp trên mảnh đất cao nguyên. Trong số đó có bà Phạm Thị Nguyệt (Đông Anh - Hà Nội). Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ khai hoang cùng với đồng đội, đất ấm tình người, năm 1980, bà Nguyệt xây dựng gia đình với ông Trần Lành, cũng là thanh niên tiền trạm và cả hai quyết định ở lại gắn bó với vùng đất hoang sơ Lâm Đồng. Sau nhiều năm gây dựng, chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế gia đình đã từng bước ổn định. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, gia đình bà Nguyệt phát triển thêm cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, trở thành hộ khá ở địa phương với mức doanh thu 300 triệu đồng/năm. Từ ngôi nhà 24m2 đã trở thành ngôi nhà khang trang 2 tầng; 3 người con học hành đỗ đạt. Bà Nguyệt còn thường xuyên giúp đồng đội có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà cửa, hướng dẫn cách làm kinh tế. "35 năm - chặng đường không dài so với lịch sử, nhưng cũng quá nửa đời người. Tôi nhớ ngày nào lên tàu vào Tây Nguyên, tóc vẫn còn xanh, mắt sáng, bước chân nhanh nhẹn, nay tóc đã điểm màu sương gió, song chúng tôi vô cùng tự hào vì tuổi thanh xuân của mình đã không sống hoài, sống phí. Chúng tôi hứa sẽ phát huy ý chí và tinh thần của thời thanh niên sôi nổi năm xưa, động viên con, cháu tiếp tục xây dựng và phát triển huyện Lâm Hà, xứng đáng với truyền thống của thanh niên Hà Nội anh hùng" - Bà Phạm Thị Nguyệt khẳng định.

Viết tiếp trang sử vẻ vang của tuổi trẻ Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đi theo tiếng gọi của Tổ quốc "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi để lại sau lưng Hà Nội yêu dấu lên đường khai hoang vùng đất mới. Người ở, người về… gặp lại nhau sau 35 năm tay bắt mặt mừng, ai cũng rưng rưng nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Họ đã sống những năm tháng thật ý nghĩa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi thời thanh niên sôi nổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.