Hồ sơ

Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 5: Xu hướng hợp tác chất lượng cao

Nguyễn Thúc 13/12/2023 - 21:17

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đang ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng và ngày càng tích hợp chặt chẽ vào những xu hướng phát triển lớn của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội phát huy được thế mạnh và tận dụng nhiều lợi ích khi tham gia kết nối, đóng góp vào tiến trình chung.

br5_v1_10_1.jpeg
Sau một thập kỷ tập trung vào “lượng”, BRI đang và sẽ chuyển dịch dần sang hướng đầu tư về “chất” với định hướng số hóa, xanh và thông minh.

Phát triển xanh với trình độ cao

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 (tháng 10-2023) đánh dấu việc BRI sau một thập kỷ triển khai chính thức bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao, tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình hợp tác quốc tế và phát triển toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, một điểm nhấn quan trọng là diễn đàn lần này đã nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác kết nối thông qua Sáng kiến Bắc Kinh, Sáng kiến Phát triển xanh và Hợp tác quốc tế về kinh tế số dọc theo các hành lang phát triển thuộc khuôn khổ BRI. Để theo đuổi các mục tiêu mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các dự án BRI, thông qua quỹ tài trợ - cho vay mỗi năm gần 109 tỷ USD.

Sách Trắng về BRI cũng đề cập tới việc Trung Quốc ủng hộ lập các khu thí điểm hợp tác thương mại điện tử Con đường tơ lụa, ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đây là hướng tiếp cận phù hợp, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới đang nở rộ tại châu Á.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng cam kết thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng xanh, tăng cường hợp tác về năng lượng, vận tải, tăng hỗ trợ cho các nước trong liên minh quốc tế Vành đai. Sáng kiến quản trị trí tuệ nhân tạo toàn cầu, một mũi nhọn trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ, tới đây sẽ thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm các trạm 5G, trung tâm điện toán đám mây và thành phố thông minh.

Số lượng các dự án đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng sạch (thủy điện, điện khí, điện mặt trời và gió) từ năm 2013 tới nay đã có chiều hướng tăng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư BRI vào các loại năng lượng xanh trên toàn cầu đã tăng từ 43% (năm 2013) lên mức xấp xỉ 80% (năm 2022). BRI cũng dành sự quan tâm lớn đối với các dự án về năng lượng tại Đông Nam Á, với mức tăng tương ứng 37% so với 24% của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

br5_v1_10_2.jpg
Đoàn tàu chở các tấm pin năng lượng mặt trời phục vụ thi công dự án trang trại điện mặt trời của Tập đoàn Kỹ thuật năng lượng Trung Quốc ở Uzbekistan.

Ở hơn một nửa số quốc gia tại Đông Nam Á, thậm chí tỷ lệ đầu tư BRI vào năng lượng còn quá bán, như Brunei (87%), Indonesia (51%), Lào (60%), Myanmar (54%), Philippines (65%) và Việt Nam (75%). Trung Quốc hiện hạn chế tối đa và đang tiến tới loại bỏ dần các dự án mới liên quan tới nhiên liệu hóa thạch, mặc dù vẫn còn tồn tại một vài dự án mới như nhiệt điện than ở Indonesia (năm 2022). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đầu tư vào một số dự án năng lượng tái tạo lớn ở Philippines và Việt Nam, trong khi Malaysia và Thái Lan cũng nhận được đầu tư vào việc sản xuất các tấm pin mặt trời.

Nối tiếp sự ra đời của "Con đường tơ lụa y tế" (HSR) và "Con đường tơ lụa kỹ thuật số" (DSR), những bước tiến mới đề ra tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 cho thấy, Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ngoại giao từ cơ sở hạ tầng và xây dựng sang lĩnh vực y tế và công nghệ. Những điều chỉnh sáng kiến là phù hợp, được cho là sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, mang lại cơ hội phát triển chung cho các quốc gia tham gia BRI cũng như chính Trung Quốc.

Góc nhìn từ Hà Nội

Nằm ở vị trí đắc địa nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Việt Nam luôn giữ vị thế đặc biệt trong bức tranh chung của BRI. Chia sẻ về kết quả chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu rõ lập trường về sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, với những sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; cũng như sự sẵn sàng của nước ta trong việc tham gia các chủ đề đang nổi lên như chuyển đổi số, phát triển xanh và kết nối kinh tế, qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế thế giới, khu vực đa kết nối, mở, bao trùm, bền vững, với người dân là trung tâm.

br5_v1_10_3.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3.

Tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc bên lề diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam; hoan nghênh và mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển cao đến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mạng lưới, hỗ trợ xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Đây là những bước đi quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ BRI vào tháng 5-2017, theo đó cùng nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược, tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền vững, tiến hành đàm phán về Kế hoạch
kết nối BRI của Trung Quốc và khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam.

Với Hà Nội, phát huy thuận lợi là nền tảng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và bề dày hợp tác với Trung Quốc và các địa phương Trung Quốc, Thủ đô đã không ngừng thúc đẩy các quan hệ hợp tác sẵn có, đồng thời không ngừng tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, thiết thực góp phần thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với BRI.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trên địa bàn Thủ đô đã đạt trên 11,3 tỷ USD. Quốc gia này cũng là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc. Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn Trung Quốc, bước đầu đã đóng góp tích cực vào đời sống xã hội.

br5_v1_10_5.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tham quan Cung Triển lãm quy hoạch Bắc Kinh.

Một dấu ấn đáng chú ý trong nỗ lực đóng góp của Hà Nội vào chiến lược kết nối BRI diễn ra trong năm 2023, khi Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X được thành phố đăng cai tổ chức và đã thành công tốt đẹp.

Là cơ chế hợp tác được thành lập từ năm 2002 với mục đích trao đổi, thúc đẩy hợp tác trên đa dạng các lĩnh vực kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế… nhằm xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, sự kiện chứng kiến các địa phương tham dự ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, thương mại, phát triển giao lưu văn hóa, du lịch, giao thông vận tải, logistics cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Trình bày tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân khẳng định, Hà Nội đã và sẽ luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có của Thủ đô. Hà Nội cũng phấn đấu duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư từ Trung Quốc.

lnh08617.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X.

Nhìn về tương lai, Hà Nội với cách tiếp cận "Xây dựng thành phố thông minh" bền vững hứa hẹn nhiều cơ hội kết nối với BRI theo nhiều hình thức khác nhau. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, mô hình phát triển của Hà Nội là nhằm mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Dễ thấy, lộ trình này có điểm phù hợp, có thể tận dụng được các định hướng phát triển ưu tiên của BRI giai đoạn tới đây.

Nỗ lực thúc đẩy hợp tác thường xuyên cũng chính là điều thường xuyên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định trước nhiều tổ chức, đối tác Trung Quốc có mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Tại các buổi tiếp này, Bí thư Thành ủy bày tỏ sự tin tưởng, lúc này chính là thời điểm thuận lợi để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác cụ thể với các địa phương, đối tác của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Hà Nội luôn sẵn sàng mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc tới đầu tư, hoạt động, vì lợi ích chung của hai bên.

Có thể khẳng định, thập kỷ qua đã chứng kiến BRI vươn mình từ một ý tưởng đầy kỳ vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, đóng góp đáng kể vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu và là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao. Với tinh thần ứng xử có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện nguyên tắc “hòa bình”, “đôi bên cùng có lợi”, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn dắt sáng kiến quan trọng này vươn lên những tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.

Trong tiến trình đó, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng - với tư cách là những mắt xích chiến lược - sẽ tiếp tục chia sẻ, đóng góp thiết thực và hiệu quả. Đây cũng là quan điểm được nêu rõ trong Tuyên bố chung nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Trong tuyên bố đưa ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt “Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với BRI theo hướng xanh, hiệu quả, và quan trọng hơn là trên tinh thần vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Vành đai và Con đường - “Siêu dự án” nhiều kỳ vọng Bài 5: Xu hướng hợp tác chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.