(HNMO) – Ngày nay, những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên chỉ là một trong vô vàn những thách thức môi trường nghiêm trọng và mang tính lâu dài mà các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Người dùng ngày càng có xu hướng chọn lựa các sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Chính yếu tố trên đã góp phần tạo ra xu hướng tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường của người tiêu dùng hiện nay. Thêm vào đó, một khi người tiêu dùng bắt đầu có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đồng tiền của mình, đồng nghĩa với việc họ cũng bắt đầu có những đòi hỏi cao hơn về sản phẩm mà họ sẽ mua.
Về phần mình, các nhà sản xuất ô tô đều xác định rõ thân thiện với môi trường là xu hướng đang thịnh hành trong thị hiếu tiêu dùng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngay từ năm 2016, báo cáo xu hướng chiến lược của Ford đã cho thấy 75% số người tham gia khảo sát có xu hướng chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, thế hệ Y (sinh từ năm 1980 tới nay) là thế hệ được kết nối nhiều nhất với các phương tiện truyền thông xã hội, thường có xu hướng nhận thức xã hội tốt và ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ những thương hiệu có cam kết phát triển bền vững.
Ở một góc độ khác, theo khảo sát gần đây do Nielsen thực hiện, doanh số bán hàng tiêu dùng của các thương hiệu đã cam kết phát triển bền vững tăng hơn 4% trên toàn cầu, trong khi đó, những thương hiệu chưa cam kết có mức tăng không đáng kể, chỉ dưới 1%. Hơn nữa, phần lớn người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm có cam kết phát triển bền vững, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, gần 75% người trong số họ cho biết sẽ sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng xấp xỉ một nửa so với một năm trước đó.
Để hiểu hơn về khái niệm “xanh” trong ngành công nghiệp ô tô, có thể lấy một ví dụ với Ford. Cách đây không lâu, Giám đốc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng toàn cầu của hãng xe Mỹ Sheryl Connelly từng cho biết: “Người tiêu dùng trẻ tuổi rất quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, dù đó là rau xanh hay là xe ô tô. Họ nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và trong việc sử dụng đồng tiền của mình”. Chính vì vậy, điều này đặt ra yêu cầu phải bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng để duy trì lợi thế cạnh tranh đối với mọi thương hiệu xe trên toàn cầu.
Về phần mình, từ năm 2010 đến 2015, những nỗ lực “xanh hóa” các khâu sản xuất đã cho phép Ford cắt giảm 25% lượng nhiên liệu sử dụng trong quá trình chế tạo ô tô. Hiện nay, công ty đang nghiên cứu những phương thức tiên tiến nhằm giảm thiểu lượng nước tiêu thụ với hy vọng đạt được mục tiêu không cần sử dụng nước tinh khiết trong các nhà máy sản xuất của mình.
Riêng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một số điển hình trong việc giảm thiểu các tác động tới môi trường của Ford có thể điểm qua như: lượng phát thải CO2 từ mỗi chiếc xe đã giảm 10% so trong năm 2016, và gần 40% so từ năm 2010; giảm thiểu hơn 90% lượng rác thải vào đất (so sánh giữa năm 2016 và năm 2011). Đáng chú ý, trong năm 2016 đã có hơn một nửa số nhà máy sản xuất của Ford trong khu vực đã hoàn thành quy trình sản xuất không thải rác ra môi trường, trong đó có nhà máy của hãng tại Hải Dương (Việt Nam).
Ngoài ra, Ford cũng cắt giảm 15% lượng nước sử dụng để sản xuất ra một chiếc xe trong năm 2016 so với 2015 (tương đương 1.000 chai nước uống 500ml). Tại Trung Quốc, công nghệ sơn 3 lớp tại nhà máy Ford Trùng Khánh cho phép cải thiện độ bền, giảm phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và giảm tiêu thụ năng lượng 10 triệu kWh/năm, tương đương với lượng điện tiêu thụ trong 1 năm của 18.600 người Trung Quốc.
Bên cạnh việc xanh hóa dây chuyền sản xuất, Ford cũng sử dụng các vật liệu tái chế và các vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên trong các mẫu sản phẩm nhằm giảm thiểu các tác động môi trường mà không làm ảnh hưởng đến hiệu suất, chất lượng và độ bền của mỗi chiếc xe. Theo thống kế, hiện có gần 300 bộ phận trong xe Ford có nguồn gốc từ đậu nành, bông, gỗ, lanh, đay và cao su tự nhiên. Mới đây, hãng cho biết đang tiếp tục nghiên cứu tính khả thi của các vật liệu mới như tre.
Có thể nói, trong trào lưu thân thiện môi trường chung của cả thế giới, ngành công nghiệp ô tô nói chung và mỗi hãng xe trong đó nói riêng chắc chắn không thể có sự lựa chọn phát triển nào khác. Việc “xanh” hóa sản phẩm lẫn các khâu sản xuất không chỉ giúp mỗi thương hiệu dễ tiếp cận với người tiêu dùng hiện đại hơn, mà còn cho phép cắt giảm đáng kể chi phí (điển hình là chi phí xử lý rác thải, nước thải…).
Vì thế, việc mang đến nhiều sự lựa chọn và các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường sẽ sớm trở thành ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu xe trong thời gian tới, không chỉ là nâng cao hiệu suất nhiên liệu của các dòng xe hay đầu tư cho các dự án phát triển phương tiện hoạt động bằng điện, mà còn cả các công nghệ phát triển bền vững cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.