Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, nguồn nguyên, vật liệu cạn kiệt, sản xuất xanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
Đây cũng là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp xuất khẩu trước những tiêu chuẩn cao hơn của thị trường, nhất là các thị trường chủ lực của hàng hóa Việt Nam.
Đối mặt những tiêu chuẩn khắt khe
Thời gian qua, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng với đó, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM), chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Đáng nói, không chỉ Liên minh châu Âu (EU) mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… cũng dựng lên những “bức tường xanh” với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm nhập khẩu phát thải khí nhà kính càng cao phải trả chi phí càng lớn, làm đội giá hàng hóa và giảm tính cạnh tranh. Với nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, chuyển đổi sản xuất xanh, giảm dấu vết các bon đã trở thành yêu cầu sống còn nếu doanh nghiệp muốn gia tăng xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống, trọng điểm như EU, Mỹ.
Liên quan tới CBAM mà EU áp dụng từ ngày 1-10, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc thông tin, đây là chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế các bon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất. Cơ chế này sẽ triển khai theo 3 giai đoạn, giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ ngày 1-10-2023 đến hết năm 2025; giai đoạn triển khai từng phần từ năm 2026 đến hết năm 2033 và giai đoạn vận hành đầy đủ từ năm 2034. Trước những quy định mới liên quan tới môi trường, các doanh nghiệp cần đánh giá phát thải nhà kính cũng như chuyển hướng sản xuất phát thải các bon thấp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt thách thức
Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) Cù Huy Quang cho rằng, khó khăn đầu tiên là khi chuyển đổi sang nền sản xuất xanh doanh nghiệp phải lựa chọn được mô hình, công nghệ phù hợp với quy mô của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp phải huy động được vốn đầu tư để tiếp cận công nghệ mới - một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ thực tế doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện công nghệ thiết bị của ngành thép vẫn đan xen giữa quy mô nhỏ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao. Định hướng phát triển xanh vì thế đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái, ngành thép đã định hướng doanh nghiệp cải tiến sản xuất, như giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính đối với lò cao; đến năm 2035 các nhà máy lò cao sử dụng công nghệ mới; đối với công nghệ lò điện, sau khi cải thiện đến năm 2025 sẽ đạt mức độ phát thải tối ưu; đến năm 2035 dần sử dụng năng lượng xanh. Bên cạnh đó, các dự án luyện kim mới áp dụng công nghệ hydro, để tối ưu hóa sản xuất. “Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi xanh, ngành thép mong muốn các cơ quan chức năng có các cơ chế tạo thuận lợi và nghiên cứu công nghệ mới, hiện đại để đưa vào quá trình sản xuất luyện kim”, ông Đinh Quốc Thái nêu.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho hay, Bộ sẽ có những đề xuất, kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương.
Để nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách, khung pháp lý và đồng bộ hóa các chính sách ưu tiên phát triển, chuyển đổi sang sản xuất xanh trong các ngành, các lĩnh vực; có cơ chế ưu đãi cho những dự án đầu tư áp dụng công nghệ xanh, sạch. Về phía doanh nghiệp cần nhận thức rõ, quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là con đường tất yếu, là sự sống còn mà doanh nghiệp không có quyền lựa chọn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh, áp dụng các giải pháp sản xuất bền vững đi liền với bảo vệ lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.