Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất, tiêu thụ nông sản: Nhiều tín hiệu khởi sắc

Ngọc Quỳnh| 08/02/2023 06:13

(HNM) - Ngay từ tháng đầu tiên của năm 2023, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường trong nước; đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản… Những tín hiệu khởi sắc này đã mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp nước nhà trong năm nay.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang

Đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm

Với diện tích 30ha rau an toàn, trong đó có 5ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ đầu năm 2023, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh) đã tập trung sản xuất, bán ra thị trường trung bình 6-7 tấn rau, củ, quả các loại mỗi ngày. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số kênh phân phối lớn như: Siêu thị Big C, hệ thống bán lẻ T-mart, còn lại tiêu thụ qua hợp đồng ký kết với các trường học, bếp ăn tập thể...

Xuất khẩu nông sản dù còn khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu khởi sắc ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ (Hacaseafood) Nguyễn Thanh Hải, trong tháng 1-2023, doanh nghiệp đã xuất 200 container hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Việc mở cửa biên giới trở lại của quốc gia này mang đến nhiều cơ hội vì thị trường 1,4 tỷ dân chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp nước ta.

Nhìn chung, tháng 1-2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước ổn định, sẽ có lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp cho thị trường, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong và sau Tết Nguyên đán. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt thông tin, đến nay, cả nước gieo cấy được 1.882,1 nghìn héc ta lúa đông xuân, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước, trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 105,1 nghìn héc ta, bằng 79,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.777 nghìn héc ta, bằng 101,4%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.434,9 nghìn héc ta, bằng 99,8%.

Còn Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, trong tháng 1-2023, chăn nuôi phát triển ổn định, đàn lợn đạt hơn 28 triệu con, tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022; đàn gia cầm hơn 550 triệu con, tăng 3,4%...

Chăm sóc lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Hiếu

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, triển khai các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, có giải pháp bảo đảm cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã… tập trung vào chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Oranicgreen (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, năm nay, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện việc chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, năm 2023, công ty tổ chức lại sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị; nghiên cứu chế biến sâu, sản xuất sản phẩm chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn trong nước.

Trong tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp đã giữ ổn định sản xuất, cung cấp lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường. Mặt khác là đẩy mạnh sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn. Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư khu vực nông thôn.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đồng thời đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn. Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan cho biết, cùng với việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, các địa phương, thì cần tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp…

Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đồng thời tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm… Đặc biệt là phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người nông dân, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thông tin, dự báo về tình hình thị trường; kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường; tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Và việc không kém quan trọng là phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy các giải pháp đưa hàng hóa từ nông thôn ra thành thị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất, tiêu thụ nông sản: Nhiều tín hiệu khởi sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.