Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất rau hữu cơ: Các địa phương tích cực vào cuộc

Bạch Thanh| 16/04/2021 06:26

(HNMO) - Thời gian qua, sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả rõ nét, ngoài xây dựng cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường, nông dân sản xuất rau hữu cơ còn được gia tăng thu nhập. Do đó, các địa phương cũng như ngành Nông nghiệp đang tích cực mở rộng diện tích và xác định 2021 là năm bản lề xây dựng các vùng chuyên canh với kỳ vọng 2-3 năm tới, rau hữu cơ của Hà Nội chiếm 5-10% diện tích.

Sản xuất rau hữu cơ mang lại thu nhập cao và cuộc sống trong lành cho người dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn).

Thành công từ các mô hình điểm

Xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) được coi là vựa rau xanh hữu cơ nổi tiếng của thành phố Hà Nội, bởi từ khâu trồng rau đến khâu thu hoạch đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “năm không” tạo ra những luống rau an toàn, bảo đảm chất lượng, cung cấp cho thị trường hơn 400 tấn/năm, đem lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng mỗi héc ta. Giá rau hữu cơ ở Thanh Xuân luôn ổn định, dao động từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng/kg, gấp khoảng 2 đến 3,5 lần so với các loại rau khác, được người tiêu dùng đón nhận. 

Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Bái Thượng cho biết, nhờ tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ, kinh tế gia đình bà được cải thiện, thoát nghèo, thu nhập ổn định 70 triệu đồng/năm. Đến nay, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thu mua rau hữu cơ Thanh Xuân, như: Công ty cổ phần Đầu tư Tâm Đạt, Công ty TNHH Vinagap (Bác Tôm), Công ty cổ phần Obis - Nông sản ngon. Sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội.

Tương tự, tại huyện Thạch Thất, thương hiệu rau hữu cơ Đại Ngàn của trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình, ngoài cung cấp cho hàng nghìn khách hàng thân thiết đặt hàng định kỳ theo ngày thì đơn vị còn đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam.

Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên chia sẻ, Trang trại hữu cơ Hoa Viên có diện tích rộng hơn 60ha. Từ năm 2013, sản phẩm rau hữu cơ của đơn vị đã được cung cấp với thương hiệu Rau hữu cơ Đại Ngàn. Từ chỗ quy mô chỉ vài héc ta, đến nay trang trại đã mở rộng lên tới 30ha rau hữu cơ các loại, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Huyện Thạch Thất đẩy mạnh sản xuất rau hữu cơ tại các xã: Yên Bình, Yên Trung...

Từ thực tiễn thành công của các mô hình rau hữu cơ, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, để mở rộng vùng rau hữu cơ, huyện đã mở rộng quy hoạch phát triển diện tích sản xuất rau hữu cơ tới 14 xã với 24 vùng sản xuất rau tập trung (trên 20ha canh tác/vùng) tổng diện tích 855ha. Trong đó, trước mắt tập trung sản xuất diện tích từ 70 đến 100ha rau hữu cơ tại các xã: Thanh Xuân, Đông Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh.

Huyện Thạch Thất cũng là một trong những điển hình của thành phố Hà Nội trong việc xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, trong hai năm (2019 và 2020), toàn huyện đã xây dựng được hơn 100ha rau màu theo hướng hữu cơ. Không những thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, các cơ sở sản xuất rau hữu cơ còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Tại Thanh Trì, một huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng cũng tận dụng điều kiện vùng đất bãi màu mỡ, nông dân có kinh nghiệm sản xuất rau màu để xây dựng các mô hình rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Đến nay, các mô hình trồng rau hữu cơ của huyện đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bảo đảm an toàn thực phẩm với Hợp tác xã An Phát, Công ty Hưng Gia, Công ty Davicorp tại xã Yên Mỹ, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi héc ta.

Sản xuất rau hữu cơ đang được mở rộng tại các địa phương của Hà Nội.

Hướng đến mục tiêu bền vững

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sản xuất rau hữu cơ nói riêng, các cây trồng theo hướng hữu cơ nói chung đang được các địa phương vào cuộc quyết liệt, các huyện, thị xã đều xây dựng ít nhất 1-2 mô hình mỗi năm làm cơ sở nhân rộng. Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương còn một số khó khăn cần sớm tháo gỡ. 

Theo ông Hoàng Chí Lượng, thực tiễn phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn nằm ở chỗ hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng các vùng chuyên canh. Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết giúp người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì bà Nguyễn Thị Tuyết Anh thì cho rằng, việc tập huấn, huấn luyện nông dân sản xuất rau hữu cơ cũng như việc cải tạo đất… để sản xuất rau hữu cơ mất nhiều thời gian, kinh phí. Do đó, thành phố cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các mô hình trong thời gian không chỉ 2-3 năm mà cần lâu hơn để nông dân thuần thục canh tác hữu cơ, thương hiệu sản phẩm được khẳng định, đầu ra sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận…

Về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, để phát huy hiệu quả sản xuất rau hữu cơ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp tiếp tục tạo điều kiện đẩy nhanh các dự án xây dựng hạ tầng vùng sản xuất rau tập trung và hỗ trợ tổ chức sản xuất, liên kết giữa các nhà phân phối với người sản xuất rau hữu cơ, tạo đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, đặc biệt là đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất rau hữu cơ tại các địa phương, công bố kết quả rộng rãi, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm rau hữu cơ; đồng thời khích lệ xây dựng môi trường sinh thái, xây dựng cuộc sống xanh từ rau hữu cơ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất rau hữu cơ: Các địa phương tích cực vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.