(HNM) - Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.
Từ những mô hình cho giá trị cao…
Là nước có sản lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất thế giới trong nhiều năm nhưng giá trị của hồ tiêu Việt Nam không cao. Để giải “bài toán” về giá trị này, nhiều doanh nghiệp đã liên kết cùng nông dân xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc Võ Đức Huy cho biết: Năm 2017, Công ty đã đầu tư cho 12 hộ dân ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trồng 11,5ha hồ tiêu theo quy trình hữu cơ và đến nay đã được 3 cơ quan uy tín của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cấp chứng nhận sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của các hộ dân này được thu mua với giá 80.000 đồng/kg, trong khi giá hồ tiêu thường là 47.000 đồng/kg. Công ty đang nhân rộng mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ tại đây với tổng diện tích khoảng 100ha, xuất bán chủ yếu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu …
Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, các mô hình sản xuất hữu cơ đang được nhân rộng trên hầu hết sản phẩm nông nghiệp. Nói về mô hình trồng rau, quả hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), Giám đốc Phạm Thị Lý chia sẻ, hợp tác xã đang xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Tàm Xá với quy mô 2,4ha và 25ha trồng cam Canh, cam Vinh tại xã Xuân Canh. Mục tiêu của hợp tác xã là phát triển khoảng 500ha trồng rau, quả hữu cơ tại huyện Đông Anh.
Cùng với rau, quả thì thủy sản, lợn, gà… chăn nuôi theo phương thức hữu cơ cũng đang được nhân rộng. Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, cả nước hiện có 40 tỉnh, thành phố có mô hình trồng trọt hữu cơ với tổng diện tích khoảng 23.400ha; 12 tỉnh, thành phố chăn nuôi lợn hữu cơ với tổng đàn trên 64.200 con (trong đó, Hà Nội có khoảng 1.000 con); 6 tỉnh chăn nuôi gà hữu cơ với khoảng 273.000 con; Nghệ An, Lâm Đồng chăn nuôi 3.500 con bò theo hướng hữu cơ và 4 tỉnh nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích khoảng 134.800ha.
Hiện tại, Việt Nam đã có gần 20 doanh nghiệp xuất khẩu các loại rau quả hữu cơ ra thị trường thế giới, tổng sản lượng hằng năm đạt khoảng 260.000 tấn, giá trị hơn 15 triệu USD. Một số mặt hàng thủy sản hữu cơ cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia với mức giá cao hơn khoảng 30% và tổng giá trị ước đạt trên 10 triệu USD/năm.
… Đến nỗ lực phát triển nền nông nghiệp hữu cơ
Phân tích tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Olivier Catrau - Viện Quốc gia về xuất xứ và chất lượng, Bộ Nông nghiệp Pháp khẳng định: Chi phí sản xuất của 1ha cây trồng hữu cơ, hoặc 1 tấn thịt hữu cơ (lợn, gà, bò) cao hơn từ 1,15 đến 1,3 lần, nhưng lại cho doanh thu cao hơn từ 1,5 đến 1,7 lần so với trồng trọt, chăn nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Ngọc Luân nêu thực tế: Sản phẩm nông sản hữu cơ thường bán cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản phẩm thường, nên sản xuất hữu cơ gặp khó khăn ngay từ “đầu vào”. Trong khi “đầu ra” cũng có không ít vấn đề bởi chi phí chứng nhận hữu cơ cao, thời gian chứng nhận lại kéo dài, thị trường tiêu thụ còn hạn chế...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cung cấp thông tin: Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn để hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm hữu cơ (từ sản xuất đến tiêu thụ) cũng như cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ….
Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc với những cơ chế phù hợp. Cụ thể, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 18-10-2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020. Theo đó, bên cạnh những cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Hà Nội xây dựng từ 5 đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm Khắc Ngọc Bá cho biết: Năm 2019, tập đoàn đã liên kết với nông dân tỉnh Sơn La triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ngoài việc đầu tư vốn, kỹ thuật, tập đoàn đã chú trọng tuyên truyền để nông dân hiểu được lợi ích kép từ phương thức sản xuất này. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp cần chủ động liên kết, xây dựng các chuỗi và kênh bán hàng ổn định…
Trong quý IV-2019, Bộ NN& PTNT sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030. Đề án có tổng nguồn vốn đầu tư 36.490 tỷ đồng; mục tiêu, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có 5-10% sản phẩm hữu cơ; khoảng 2-3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ (tương đương 60.000ha).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.