Hà Nội là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và đã có một số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo phương thức này, cho giá trị kinh tế cao, song diện tích vẫn còn khiêm tốn và chỉ dừng lại ở mô hình. Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu cần tháo gỡ những "điểm nghẽn".
Chưa tương xứng với tiềm năng
Để cung cấp thực phẩm sạch cho người dân, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 đến 20% so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là các sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn để phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) chia sẻ, năm 2017, hợp tác xã bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Quá trình canh tác hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học. Hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại, từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu… Do đó, sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã bảo đảm chất lượng và có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Giá bán rau hữu cơ cũng cao hơn 4.000-5.000 đồng/kg so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống.
Mặc dù nông nghiệp hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, song số diện tích sản xuất theo phương thức này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lên tới hơn 197.000ha; trong đó có gần 160.000ha đất có thể sản xuất được, nhưng đến nay mới có hơn 2.000ha cây trồng và hơn 10ha nuôi trồng thủy sản áp dụng theo phương pháp hữu cơ.
Nguyên nhân là sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, khó cạnh tranh được với sản xuất truyền thống. Hơn nữa, hình thức sản phẩm chưa đẹp, chưa có những khác biệt để thu hút người tiêu dùng, khiến đầu ra còn bấp bênh.
“Trong quá trình canh tác, người dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, nên mất nhiều công lao động, khó thực hiện trên diện rộng…”, bà Trịnh Thị Nguyệt thông tin thêm.
Thu hút đầu tư chuỗi sản xuất khép kín
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu, để tháo gỡ khó khăn và mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ, các địa phương cần hỗ trợ người dân về khoa học, kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá bán trên thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc liên kết, ký kết hợp đồng với người dân; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để hạn chế tác động của sản xuất nông nghiệp đến môi trường, thành phố Hà Nội đang tiếp tục triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Nhằm phát huy hiệu quả của đề án, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hợp tác xã cần thành lập các tổ hợp tác để giám sát việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương cần chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực, có lợi thế; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu...
Còn theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Bùi Thanh Hương, trung tâm đã và đang nỗ lực mở rộng năng lực chứng nhận sản phẩm hữu cơ với các chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân để hướng tới xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội ra thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.