Nông nghiệp

Tiếp sức cho nông nghiệp hữu cơ ở Nam Phương Tiến

Minh Phú 08/10/2023 - 07:24

Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ và hướng hữu cơ. Từ lợi thế này, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã được thành lập, quy tụ các hộ sản xuất 2 nhóm hàng chủ lực là bưởi và gạo.

Quá trình sản xuất, hợp tác xã đang dần xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ thành viên.

trong-lua.jpg
Vùng trồng lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền cho biết: Hợp tác xã được thành lập năm 2018, với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đặc biệt, hợp tác xã triển khai 2 mô hình trồng lúa hữu cơ và trồng bưởi Diễn có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Riêng với trồng lúa, xã Nam Phương Tiến có những thuận lợi đó là vùng sản xuất nằm xa khu dân cư, không có khu công nghiệp nên đất đai, khí hậu và nguồn nước đều rất bảo đảm. Hợp tác xã đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao hữu cơ và hướng hữu cơ 2 vụ/năm, thu hút 123 hộ dân tham gia. Trong đó, lúa hữu cơ có diện tích hơn 40ha/năm; sản lượng đạt khoảng 54-55 tạ/ha. Với diện tích này, các hộ đã sử dụng 100% phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Ngoài lúa hữu cơ, hợp tác xã còn có 40ha sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao, sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh lúa hữu cơ, với khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất bán sơn địa, xã Nam Phương Tiến gần đây đã nổi lên như một vùng trồng bưởi đặc sản của Hà Nội. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến hiện có hơn 50ha trồng bưởi được chia thành các vùng khác nhau, trong đó có 3,5ha bưởi hữu cơ; 20ha bưởi hướng hữu cơ; 10ha bưởi được cấp mã vùng xuất khẩu đi Liên minh châu Âu (EU) và 10ha bưởi VietGAP. Theo đó, đơn vị liên kết các thành viên trong mô hình hợp tác để đưa kỹ thuật trồng lúa, bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, từ khâu giám sát nông dân trong quá trình chăm sóc, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả, tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp, đến hỗ trợ triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ sự nỗ lực, chuyên cần trong sản xuất và đón đầu những cơ hội mới trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm gạo và bưởi của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã được đánh giá cao trên thị trường. Thu nhập của nông dân ngày một tốt hơn. Riêng với cây bưởi, cho thu nhập đạt 500-700 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, người dân tận dụng được phụ phẩm như rơm rạ hoai mục; chất thải chăn nuôi để làm phân bón… vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giúp cây trồng khỏe hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn và năng suất ổn định.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền, hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thành phố. Trong đó, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh bưởi theo hướng VietGAP và hữu cơ; hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến”. Hợp tác xã được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ thành phố như hỗ trợ túi đựng gạo, tem nhãn, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ hợp tác xã và nông dân, hỗ trợ cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao tại nội thành Hà Nội để quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm...

Hợp tác xã cũng đã liên kết với nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Để minh bạch quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã thay nhật ký giấy thủ công bằng nhật ký điện tử kết hợp camera hiện trường. Cách thức này cho phép kiểm tra một cách dễ dàng bất kỳ lúc nào, bất kỳ công đoạn nào trong quá trình trồng lúa gạo, bưởi. Với người tiêu dùng hay chủ doanh nghiệp nhận tiêu thụ theo chuỗi có thể tiếp cận những thông tin này từ xa và hoàn toàn yên tâm về những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.

Tuy đã đạt những kết quả cao nhưng thực tế cho thấy, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến vẫn còn những khó khăn. Đó là nguồn vốn còn hạn chế, việc tiếp cận thị trường còn thiếu kinh nghiệm, kinh phí đầu tư cho quảng bá sản phẩm chưa đáp ứng được... Đơn vị rất mong sự quan tâm hỗ trợ thêm của thành phố để có thể tiếp cận được những hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn, máy móc và nhất là tìm kiếm thị trường để vùng sản xuất hữu cơ được ổn định và mở rộng thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho nông nghiệp hữu cơ ở Nam Phương Tiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.