(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã không ngừng phát triển giống lúa và vùng trồng lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Kiểm tra, chăm sóc lúa chất lượng cao. |
Những mô hình hiệu quả
Từng nổi tiếng với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 và loại gạo "tiến vua", song do tác động của đô thị hóa, nông dân xã Thanh Văn (Thanh Oai) không mặn mà với trồng lúa. Trước thực trạng đó, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã phối hợp xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Thanh Văn, khôi phục lại loại gạo "tiến vua" nức tiếng một thời. Ông Nguyễn Huy Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Văn cho biết: Do nhiều nguyên nhân, vì mấy năm trước, nông dân địa phương không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cấy lúa nên "ly nông" chuyển sang làm việc tại nhà máy, xí nghiệp. Năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với giống Bắc thơm số 7 cho hiệu quả kinh tế cao, nên các hộ đã quay lại canh tác lúa hàng hóa. Đến nay, xã Thanh Văn có hơn 300ha sản xuất lúa chất lượng cao. Phấn khởi hơn, gạo Thanh Văn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể với tên gọi "Gạo Bồ Nâu".
Không riêng Thanh Oai, sau một thời gian dài chiếm vị thế độc tôn, các giống lúa lai, lúa thuần đã phải nhường chỗ cho lúa năng suất, chất lượng cao. Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, việc xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Sau 5 năm thực hiện, diện tích lúa chất lượng của các xã không ngừng tăng. Đáng nói, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao không những cho năng suất cao hơn so với gieo cấy đại trà mà còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc canh tác theo hướng tập trung "một vùng, một giống, một thời gian" ngày càng được mở rộng, góp phần chuyển dịch sản xuất lúa theo hướng hàng hóa...
Gắn sản xuất với tiêu thụ
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng thành công cánh đồng lớn sản xuất giống lúa chất lượng với quy mô hàng nghìn héc ta ở nhiều địa phương. Dẫn đầu phải kể đến huyện Ứng Hòa với diện tích gần 3.400ha, chiếm 34% tổng diện tích gieo cấy; tiếp đến các huyện Thanh Oai gần 3.000ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy; Đông Anh 2.990ha, chiếm 47% diện tích gieo cấy; Phúc Thọ 1.720ha, chiếm 42% diện tích gieo cấy... Đặc biệt, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao gồm gạo Bồ Nâu - Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê - Tam Hưng, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, chỉ tính riêng 10 quận nội thành, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 67.000 tấn gạo chất lượng cao. Hà Nội có khoảng 210.000ha chuyên trồng lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Thường Tín... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu 5 năm tới, tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao (chiếm 70% diện tích sản xuất lúa). Thành phố sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp nông dân duy trì và mở rộng diện tích sản xuất. Đặc biệt, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các HTX chuyên sản xuất các sản phẩm lúa, gạo đặc trưng cũng như mạng lưới liên kết tiêu thụ sản phẩm... Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, duy trì diện tích sản xuất lúa nhưng phải là lúa chất lượng cao; mô hình sản xuất lúa hướng tới theo chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, đưa sản phẩm lúa chất lượng của các HTX tiêu biểu tham dự các hội chợ như hội chợ sản phẩm nông nghiệp, từng bước giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận sản phẩm lúa, gạo được sản xuất theo hướng an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.