Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Ngọc Quỳnh| 28/03/2023 15:50

(HNMO) - Ngày 28-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo tham vấn “Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam”.

Nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu nông hộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế, tiềm ẩn những yếu tố không bền vững về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, như: Hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu còn hạn chế; quá trình chuyển đổi đất trồng lúa chưa hiệu quả do thiếu đồng bộ; diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu...

Để giải quyết những hạn chế trên, Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách và chương trình: Nghị quyết số 120/NQ-CP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, theo định hướng tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Tiến sĩ Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu và Trưởng ban tác động bền vững của IRRI cho biết, lúa gạo cũng gây ra lượng khí thải carbon cao từ các cánh đồng bị ngập nước liên tục, sử dụng nhiều đầu vào, như: Hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu và năng lượng, đốt và ủ rơm rạ cũng như thất thoát sau thu hoạch. Do đó, mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và sản xuất bền vững. IRRI và các đối tác toàn cầu và quốc gia hiện đang hỗ trợ nâng cao năng lực của các đối tác quốc gia để nâng cấp chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp và bền vững. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp đồng bộ chọn tạo giống lúa chất lượng cao với áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.