Ngày 23-5, UBND huyện Mỹ Đức sơ kết đánh giá mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tham dự hội nghị có đông đảo cán bộ các xã, thị trấn, hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp… trên địa bàn.
Theo UBND huyện Mỹ Đức, với diện tích đất cấy lúa hằng năm là 14.845ha, nông dân trên địa bàn chủ yếu gieo cấy bằng các giống: Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, lúa thơm, lúa nếp các loại... Tuy nhiên, giống lúa Bắc thơm số 7 gần đây dễ bị nhiễm sâu bệnh, năng suất chất lượng gạo không cao.
Vì vậy, vụ xuân năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mỹ Đức triển khai mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Sơn. Quy mô thực hiện 10ha với 88 hộ tham gia, tại xứ đồng Trăm, thôn Đặng, xã Hồng Sơn; giống lúa được lựa chọn là HD11 - một trong các loại giống chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico).
Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mỹ Đức Nguyễn Đỗ Hải cho biết: So với giống đối chứng, khả năng chịu rét của giống lúa HD11 tốt hơn, đẻ nhánh tập trung, gọn khóm, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao, số hạt và hạt chắc/bông nhiều hơn, số bông trên cùng đơn vị diện tích nhiều hơn, trọng lượng 1.000 hạt nặng hơn, năng suất cao hơn giống Bắc thơm số 7, hiệu quả kinh tế cao hơn...
Mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” góp phần giới thiệu với nông dân giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh kết hợp thâm canh hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bổ sung vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao của địa phương, tăng năng suất cây trồng, hiệu quả cho nông dân... Đây là mô hình trình diễn gắn với bao tiêu sản phẩm, Công ty Hadico thu mua toàn bộ lúa cho các hộ sau thu hoạch.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Hadico Đỗ Thị Phương Lan cho biết, bộ giống HDT10 và HD11 là giống lúa thơm, chất lượng cao do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, khảo nghiệm thành công, Công ty mua bản quyền, sản xuất và cung ứng độc quyền.
Các giống lúa này của công ty đã phát huy hiệu quả cao tại nhiều địa phương, từ miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…, năng suất cao, đạt 7-8 tạ/ha, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng, hạt gạo trong, cơm ngon, thơm, đậm...
Tại các tỉnh miền Trung, lúa, gạo HD11 được các doanh nghiệp thu mua với khối lượng lớn, giá cao, nông dân sản xuất tới đâu có doanh nghiệp bao tiêu thu mua tới đó. Với kết quả vụ xuân 2024 trên đồng đất Mỹ Đức, thời gian tới, giống lúa HD11 sẽ có mặt tại nhiều địa phương.
Ông Đặng Văn Tiến - một hộ dân tham gia mô hình khẳng định, với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nông dân không phải lo về giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm nên yên tâm sản xuất. Với thu nhập hơn 1,8 triệu đồng/sào như hiện nay bảo đảm nông dân có lãi.
Theo Phó phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường, hiện nay, lúa vẫn là cây trồng chủ lực của huyện Mỹ Đức. Trước mắt, huyện tập trung xây dựng các mô hình lúa chất lượng cao gắn với tiêu chuẩn VietGAP, làm cơ sở hình thành các mô hình lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ. Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với Công ty Hadico, nông dân Mỹ Đức sẽ yên tâm hơn khi đầu tư sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.