(HNM) - Dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trên địa bàn Thủ đô sẽ có nhiều điểm vui chơi giải trí tập trung đông người. Các địa bàn công cộng khác cũng là nơi mật độ phương tiện, người dân tăng đột biến. Vì vậy, bảo đảm an toàn cho các địa bàn này là yêu cầu quan trọng…
Công an TP Hà Nội là đơn vị có kinh nghiệm, sớm nắm tình hình và đã tham mưu cho thành phố về việc bảo đảm an ninh, an toàn và chuẩn bị phương án cứu hộ nơi đông người. Gần một năm trước (tháng 2-2015), hoạt động diễn tập đã được tổ chức theo kịch bản sát với một số hoạt động vui chơi, giải trí thu hút đông người.
Tuy nhiên, thực tế dịp tết Dương lịch vừa qua, hoạt động vui chơi giải trí công cộng đã thu hút số người tham gia quá đông, cộng với công tác bảo đảm an toàn chưa được tính kỹ nên đã xảy ra một số sự cố, như hỏa hoạn do bóng bay cháy nổ trên sân khấu trước Nhà hát Lớn; việc chen lấn khiến một số người bị ngạt, choáng khu vực hồ Hoàn Kiếm đêm 31-12-2015. Rất may là những sự cố đó chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn nơi đông người còn rất lớn.
Mặt khác, hiện nay, tại một số địa bàn công cộng khác tình trạng mất trật tự còn diễn biến phức tạp, khi mà nạn "cò mồi" chưa thể trị dứt điểm, nạn chèo kéo, dẫn ép khách du lịch, khách đi xe, tàu vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn như vụ việc 4 đối tượng chèo kéo, ép khách du lịch đánh giày ở khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) vừa được phát hiện…
Lực lượng 141 Công an TP Hà Nội kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn. Ảnh: Đức Nghiêm |
Trước tình hình đó, để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) phục vụ nhân dân đón tết Nguyên đán, CATP Hà Nội đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, chủ động đánh giá các vấn đề liên quan đến ANTT nơi công cộng và có kế hoạch đấu tranh hiệu quả.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP nhấn mạnh yêu cầu, công an các đơn vị, địa phương để tồn tại các tụ điểm tệ nạn, các tụ điểm vi phạm về trật tự giao thông, đô thị gây bức xúc dư luận; để xảy ra các vụ đốt pháo trước, trong và sau đêm Giao thừa, thì thủ trưởng đơn vị, cán bộ được giao theo dõi, quản lý địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP.
Ban Giám đốc CATP cũng yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã phải phối hợp với phòng chức năng của CATP xây dựng kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an toàn các địa bàn công cộng, nơi diễn ra các sự kiện lớn, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật có đông người tham gia. Đồng thời, các lực lượng phải xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, luyện tập để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xử lý sự cố nơi đông người.
Trong dịp này, các tổ công tác 141, 142 và 15 tổ bảo vệ ở các bệnh viện lớn được giao nhiệm vụ nắm quy luật hoạt động của tội phạm, xây dựng kế hoạch triển khai lực lượng linh hoạt để bắt trúng, đúng tội phạm, vi phạm… Các yêu cầu về công tác trật tự đô thị như quản lý, xử lý hàng quán ban đêm, ngăn chặn các điểm trông xe trái phép cũng cần phải được quan tâm, giải quyết quyết liệt trước mắt cũng như lâu dài. Tại các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, ngoài các đơn vị công khai, lực lượng hình sự, cơ động hóa trang cũng sẽ được triển khai để ngăn chặn các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, hỗ trợ cứu nạn... khi cần.
Song, bên cạnh lực lượng công an, công tác bảo đảm ANTT tại các địa bàn công cộng, nơi tập trung đông người cần có sự phối hợp của các ngành liên quan khác, nhất là các đơn vị trực tiếp tổ chức sự kiện. Việc tổ chức, sắp xếp địa điểm vui chơi giải trí tập hợp đông người phải có sự tham gia của cơ quan bảo đảm an ninh để có phương án bố trí lực lượng bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn hợp lý. Ngoài ra, công tác giữ ANTT tại các bến xe, nhà ga, trung tâm thương mại phải có sự tham gia chủ động của các ban quản lý cơ sở… nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân vui Tết, đón Xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.