(HNM) - Trong khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại, thì ngành chăn nuôi trong nước lại chịu thêm sức ép từ sản phẩm thịt lợn nhập khẩu.
Các hộ chăn nuôi, trang trại nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi của HTX Chăn nuôi Ngũ Châu, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt |
Nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập khẩu gần 2.000 tấn thịt lợn, với kim ngạch 4,8 triệu USD, nhưng 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp trong nước đã nhập hơn 4.000 tấn thịt lợn đông lạnh, với kim ngạch hơn 7 triệu USD, tương đương số lượng thịt lợn nhập khẩu của cả năm 2018.
Sản phẩm thịt lợn chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Ba Lan, Đức, Canada… với mức giá từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg, thấp hơn sản phẩm trong nước từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg; thậm chí, thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với thịt lợn Việt Nam.
Thông tin trên khiến người chăn nuôi trong nước như “ngồi trên đống lửa”. Theo ông Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 3.000 lợn thương phẩm ở huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thị trường có thể thiếu nguồn cung nhưng chưa đến mức các doanh nghiệp phải ồ ạt nhập khẩu thịt lợn. Các bộ, ngành cần tính toán cung - cầu, cân đối lượng thịt lợn nhập khẩu để bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
Còn ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Quốc Oai cho rằng, việc nhập khẩu nhiều thịt lợn sẽ khiến các hộ chăn nuôi, trang trại khó cạnh tranh về giá, đối mặt với nhiều khó khăn.
Khách hàng chọn mua thịt lợn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông). Ảnh: Quang Quyết |
Trước hiện tượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc lý giải, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 60 tỉnh, thành phố với số lợn tiêu hủy là 2,82 triệu con. Nhận thấy nguồn cung thiếu hụt nên nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, giá thịt lợn trong nước đang cao hơn mức bình quân của thế giới nên với doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, đây là cơ hội để họ thu lợi nhuận...
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4.000 tấn thịt lợn đông lạnh, chủ yếu phục vụ các nhà hàng, cơ sở chế biến xúc xích, thịt nguội... Con số này không đáng kể và cũng chưa thể thay thế loại thịt tươi truyền thống.
Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên lượng thịt lợn nhập khẩu về tăng mạnh. “Chúng ta không thể cấm nhập khẩu thịt lợn, cũng không để thiếu hụt nguồn cung. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt nhập về Việt Nam” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Về vấn đề này, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, tất cả sản phẩm thịt lợn nhập khẩu không khác gì thịt lợn trong nước. Qua kiểm tra chất lượng, 100% thịt lợn nhập khẩu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng… Hiện cơ quan chức năng chưa phát hiện lô sản phẩm thịt lợn nhập khẩu nào hết thời hạn sử dụng, nếu có thì cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tái xuất hoặc tiêu hủy.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Với diễn biến của thị trường thịt lợn hiện nay, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp để bảo đảm cân đối cung - cầu, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng thịt lợn cũng như ảnh hưởng đến người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con; số lợn chết, tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện chiếm khoảng 10,3% và khả năng có thể lên 15%, nên có nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt lợn vào dịp cuối năm.
Để bù đắp, Bộ NN&PTNT đang tìm mọi cách để bảo vệ, duy trì đàn lợn còn lại, sẵn sàng khôi phục chăn nuôi, tái đàn lợn khi điều kiện thuận lợi. Cùng với đó, Bộ đang xem xét hỗ trợ giống vật nuôi, khoa học kỹ thuật cho các trang trại quy mô lớn để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, giúp giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Để từng bước vực dậy chăn nuôi trong nước, Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành đề nghị các địa phương kêu gọi doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn giảm giá bán thức ăn cho lợn, bán thức ăn trả chậm để giảm áp lực về chi phí cho người chăn nuôi.
Từng trải qua khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của việc nhập khẩu thịt lợn, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Ứng Hòa chia sẻ, để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà, thì bản thân người chăn nuôi phải cải tiến công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu.
Các hộ chăn nuôi cần chủ động và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc tại cơ sở chăn nuôi của mình, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các trang trại tuân thủ quy định trong phòng, chống bệnh dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, người ra - vào trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học.
Liên quan đến vấn đề thị trường và kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng thịt lợn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như: Hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch thú y để tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là với thịt lợn nhập khẩu tại cửa khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.