(HNM) - Hiện nay, để giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, nhiều người lựa chọn sống xanh, trong đó chú trọng sử dụng các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường. Dự án “Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt” là một giải pháp công nghệ mới giúp tận dụng nguồn nguyên liệu rất phong phú ở Việt Nam để tạo ra vật liệu mới, có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế và môi trường.
Hướng đi đúng
Vượt qua hơn 100 dự án của học sinh, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và sinh viên quốc tế, dự án “Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt” đã giành ngôi vô địch cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020” trong khuôn khổ Tuần lễ kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Với ý tưởng biến lá chuối thành những khay, hộp để thay thế túi ni lông và hộp xốp đựng thức ăn đang gây ô nhiễm môi trường, dự án “Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt” không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết vấn đề môi trường. Đặc biệt, đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người dân từ việc trồng chuối, chế biến tạo ra các sản phẩm từ cây chuối.
Nguyễn Diệu Linh, Trưởng nhóm dự án Vibale cho biết, hộp xốp phải mất nhiều năm mới bị phân hủy, hộp giấy từ 3 đến 4 tháng, hộp làm từ bã mía phân hủy từ 60 đến 120 ngày, còn đối với hộp lá chuối phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày. “Tôi chọn lá chuối vì đây là phụ phẩm, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào lấy nó làm nguyên liệu, do đó chi phí đầu vào sẽ thấp. Hộp lá chuối với nhiều ưu điểm về tính năng sử dụng và thân thiện với môi trường chắc chắn sẽ được người dân sử dụng ngày càng nhiều”, Diệu Linh phân tích.
Được triển khai từ năm 2019, đến nay, 3 sản phẩm của dự án Vibale đã sản xuất thành công là: Đĩa lá, khay lá và hộp. Sản phẩm có ưu điểm dễ dàng phân hủy, giảm rác thải ra môi trường, tăng sinh kế cho người nông dân. Với dây chuyền công nghệ hiện đại, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu lá chuối, có thể sử dụng được 24 tháng mà không bị ẩm mốc trong điều kiện nhiệt độ ở Việt Nam.
Nguyễn Diệu Linh tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Năm 2017, khi đang là sinh viên, Linh có nghe nói đến chiến dịch giải cứu chuối. Khi ấy, câu hỏi đau đáu trong đầu Linh là làm gì để giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, làm gì để gia tăng giá trị của cây chuối bởi Đồng Nai có diện tích trồng chuối lên tới 3.000ha nhưng có năm, quả không bán được mà lá chuối cũng phải bỏ đi.
Tốt nghiệp đại học, có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với lối sống xanh, Linh nhận thấy tác hại khôn lường của hộp xốp dùng một lần. “Mình là người trẻ, khi biết được những tác hại của hộp xốp và túi ni lông đối với môi trường thì phải nghĩ ra cách gì đó để thay đổi”, Linh chia sẻ. Kết nối với câu hỏi từ thời sinh viên, Linh chợt nhận thấy có thể lựa chọn lá chuối để làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Qua tìm hiểu, Linh được biết có một starup ở Đức có hoạt động tương tự nên đã mang mô hình về nghiên cứu. “Ý tưởng nghĩ chỉ trong vòng một ngày nhưng khi nghiên cứu, định hình vật liệu, nhóm dự án phải mất đến hơn một năm”, Linh chia sẻ. Tuy nhiên, rất may mắn, Viện Khoa học Công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật để Linh được thỏa mãn niềm khát khao, đam mê khởi nghiệp.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Lần đầu tiên đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, Linh chọn cách giới thiệu sản phẩm trên Facebook. Ngay lập tức, sản phẩm của Linh đã có 25.000 lượt tiếp cận, nhiều người gọi điện và nhắn tin đặt hàng.
“Khi chưa phải bỏ ra chi phí quảng cáo mà đã thu hút đông người quan tâm nên tôi rất vui. Tôi nhận ra có rất nhiều người có cùng sự trăn trở như mình về bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống xanh. Tiêu chí của nhóm là định hướng doanh nghiệp tạo tác động tốt cho xã hội, vì vậy bên cạnh hiệu quả kinh tế còn hướng đến việc mọi người sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường”, Diệu Linh cho biết.
Tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020” ngoài mục tiêu lan tỏa lối sống xanh tới mọi người, Linh cũng kỳ vọng tiếp cận được nhiều nguồn lực để hỗ trợ dự án.
Sắp tới, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ lá sen, mo cau… Trong tương lai, sẽ nghiên cứu làm giấy từ thân cây chuối cũng như làm sợi tơ chuối thành quần áo.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020” đánh giá cao dự án. “Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt” không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết được một số vấn đề về môi trường, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân từ việc trồng chuối. Hy vọng cuộc thi sẽ giúp cho thanh niên, sinh viên… thay đổi tư duy nhận thức về vấn đề việc làm, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thay vì đi xin việc mà nên tự tạo việc làm cho chính bản thân, thông qua đó tạo việc làm cho những người khác để mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.