Kinh tế

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh: Nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững

Thanh Hiền 25/08/2024 - 06:32

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm thông qua việc lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để nâng cao hiệu quả kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường...

sx.jpg
Sản xuất ống hút bằng nông sản tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hoàng Quý

Sản phẩm xanh được ưa chuộng

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.

Khảo sát trên cũng chỉ ra, các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh, sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong ngành thực phẩm, nước giải khát, mức tăng trưởng đạt từ 2% đến 11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”. Trong đó, Unilever tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm sạch.

Là một trong những thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Việt Nam được thành lập năm 2016 - các sản phẩm của Herb n’ Spice sử dụng nguyên liệu được tuyển chọn kỹ càng, có nguồn gốc từ thiên nhiên như dầu thông núi rừng Đà Lạt, sữa dê đồng cỏ Ninh Thuận, mật ong rừng U Minh, trà xanh Cầu Đất... Sản phẩm được sản xuất ngay tại địa phương, giảm tải lượng khí CO2, thân thiện với môi trường.

Tương tự, TimTay là thương hiệu thời trang thiết kế “thuần Việt” theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường. Trong suốt gần 10 năm phát triển, TimTay vẫn luôn kiên trì theo đuổi phong cách bền vững và thân thiện với môi trường từ việc sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tơ tằm nguyên chất, sợi bông, sợi lanh… để góp phần giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường và đem lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu thừa, vải thừa luôn được giữ lại để tái sử dụng và tái chế thành các sản phẩm khác… Nhờ đó, các sản phẩm này nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng.

Cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp

Thực tế cho thấy, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng mang tính chất toàn cầu, được thúc đẩy tại rất nhiều quốc gia. Chính vì vậy, những năm gần đây nhận thức của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh, cũng như lựa chọn những sản phẩm có quy trình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường được nâng cao.

Theo Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương) Hồ Tùng Bách, Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050. Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với hành động cắt giảm khí thải carbon. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững. Nhiều hoạt động cụ thể cũng đã được triển khai như quy định về dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Do đó, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Hơn nữa, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến người tiêu dùng không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Tùng Bách cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Thực tế, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh: Nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.