Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu truyền thống: Hướng tới chinh phục khán giả trẻ

An Nhi| 13/02/2022 06:55

(HNM) - Tuy gặp nhiều thách thức từ các loại hình giải trí hiện đại, cũng như chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang nỗ lực chuyển động với những hướng đi mới nhằm chinh phục khán giả trẻ. Các đơn vị nghệ thuật đều nhìn nhận, khán giả trẻ quyết định sự sống còn của nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Một chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Việt Nga

Sự chuyển mình

Khi những sân khấu thực địa phải tạm dừng mở cửa vì dịch Covid-19, Nhà hát Chèo Việt Nam đã chuyển sang hoạt động trên nền tảng số. Trước tiên là những cuộc thi hát chèo trực tuyến trên trang Facebook của nhà hát. Không chỉ có sự tham gia của những khán giả lâu năm, nhiều bạn trẻ và người nước ngoài cũng mạnh dạn thi tài. Đặc biệt, từ tháng 8-2021, Nhà hát Chèo Việt Nam khởi động chuỗi chương trình trực tuyến “Giữ lửa đam mê” trên trang Facebook. Trong mỗi chương trình, các nghệ sĩ tài năng trẻ của nhà hát tự biên, tự diễn toàn bộ, từ dẫn chương trình, đến tương tác với khán giả qua những câu hỏi, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.

Nghệ sĩ trẻ Trần Thục Hiền, diễn viên Đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Nếu như trước đây, điểm hẹn của nghệ sĩ trẻ với khán giả là vào thứ sáu hằng tuần tại sân khấu nhỏ mang tên “Chiếu chèo”, thì nay, giữa mùa dịch, khán giả vẫn được gặp và nghe nghệ sĩ trẻ hát chèo vào các tối chủ nhật dưới hình thức trực tuyến”. Sau 8 số thực hiện trong năm 2021, nhận được nhiều phản hồi tích cực và mong ngóng của khán giả trẻ, nhà hát đang xây dựng những chương trình tiếp theo để sớm ra mắt.

Tương tự, từ tháng 10-2021, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng thực hiện các chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” bằng những cách tiếp cận hấp dẫn. Trong chương trình, bên cạnh được thưởng thức các trích đoạn tuồng mẫu mực, như: “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Trần Quốc Toản ra trận”…, khán giả trẻ còn được trao đổi, trò chuyện, giải đáp thắc mắc xung quanh nghệ thuật tuồng. Mô hình này vừa được trình diễn trực tiếp tại Rạp Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), vừa đưa đến các trường học để tiếp cận với học sinh, đồng thời đăng tải trên kênh YouTube Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng xây dựng chương trình “Cùng trải nghiệm với nghệ thuật múa rối nước truyền thống”, đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đến với trường học để học sinh thưởng thức tác phẩm, trải nghiệm biểu diễn và làm ra các con rối. Chương trình “Múa rối du xuân với 5K” lồng ghép các trò múa rối với thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị này xây dựng đầu xuân Nhâm Dần cũng hướng tới khán giả trẻ.

Với nghệ thuật cải lương vừa truyền thống, vừa cách tân, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, đơn vị tìm hướng đến với khán giả trẻ bằng cách kết hợp nghệ thuật cải lương với nghệ thuật xiếc, như trong vở “Cây gậy thần”, “Thượng Thiên Thánh Mẫu”; phối hợp với các tổ chức dàn dựng những vở diễn về vấn đề giới trẻ quan tâm…

Em Lê Đức Anh, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) bày tỏ: “Trước đây, em chưa xem tuồng, chèo hay cải lương, song qua mạng xã hội, em được tiếp cận với một số trích đoạn nghệ thuật truyền thống và thấy rất thú vị, qua đó thêm hiểu biết về lịch sử Việt Nam”.

Chương trình “Múa rối du xuân với 5K” của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ

Nghệ thuật sân khấu truyền thống vốn đã gian nan để níu chân khán giả trẻ trước sức hút của các loại hình giải trí sử dụng công nghệ hiện đại, nay càng phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của đối tượng này.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, nghệ thuật truyền thống với những nét đặc sắc trong lối hát, múa, biểu cảm, hóa trang… hoàn toàn có thể thu hút được giới trẻ. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động xây dựng các chương trình, tìm nhiều kênh để lan tỏa nghệ thuật truyền thống. Chương trình “Giới thiệu nghệ thuật với khán giả trẻ” là hoạt động quan trọng của nhà hát trong năm 2022, với nhiều thay đổi, từ trẻ hóa nghệ sĩ biểu diễn đến mở rộng kênh tiếp cận, thông qua việc liên kết với các trường học; mời học sinh, sinh viên tham gia giao lưu; đăng tải trên nền tảng số…  

Về nội dung các chương trình, hoạt động đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả trẻ, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, các tiết mục, chương trình tham gia vẫn phải giữ sự chuẩn mực, khoe được đặc trưng của từng môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, sẽ dễ thu hút hơn khi các đơn vị lồng ghép những thông điệp thời sự được giới trẻ quan tâm và tăng cường hoạt động tương tác, trải nghiệm.

Để tiếp cận khán giả theo hướng mới, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, nghệ thuật truyền thống không e ngại vấn đề bản quyền hay mất khán giả xem trực tiếp. Song, để chuyển tải được đầy đủ nét đặc sắc, tinh túy của từng môn nghệ thuật truyền thống đến với khán giả trên nền tảng số, cần sự đầu tư chuyên nghiệp về phương tiện kỹ thuật, nhân lực. Ngoài các đề án xin kinh phí hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị, nhà hát cũng tự vận động để quảng bá nghệ thuật truyền thống tốt hơn, giữ lửa đam mê của nghệ sĩ và khán giả.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, việc tiếp cận với khán giả trẻ, kéo họ đến với nghệ thuật truyền thống là hoạt động quan trọng và cần sự kiên trì đầu tư, sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tạo điều kiện về trang thiết bị, sân khấu và tiến tới xây dựng kênh chính thống cho các chương trình, dự án hướng tới đối tượng trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu truyền thống: Hướng tới chinh phục khán giả trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.