Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu Anh: Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Quỳnh Dương| 06/06/2020 10:17

(HNMCT) - Với lịch sử lâu đời cùng những thành tựu rực rỡ, nghệ thuật sân khấu là một phần quan trọng trong văn hóa của nước Anh. Chính vì vậy, người Anh đặc biệt coi trọng việc duy trì thói quen đến nhà hát, truyền cảm hứng nhằm xây dựng tình yêu sân khấu lâu bền cho thế hệ trẻ.

Vở nhạc kịch Matilda tại Nhà hát Cambridge.

Những sân khấu kịch thiếu nhi nổi tiếng của London

Không ít người cảm thấy bất ngờ trước tình yêu sân khấu của người Anh. Dù chịu sự cạnh tranh gay gắt của rất nhiều loại hình giải trí hiện đại, sân khấu vẫn có rất đông khán giả trung thành. Các sân khấu ở London sáng đèn gần như quanh năm với đầy đủ các loại kịch mục, trong đó, hệ thống nhà hát dành riêng cho thiếu nhi cũng hết sức đặc sắc.

Trong số nhà hát mà phụ huynh thường xuyên đưa con em mình đến, có thể kể đến Nhà hát Lyceum, Nhà hát Apollo Victoria, Nhà hát Cambridge, Nhà hát Hoàng tử Edward, Nhà hát Palace… Ở đây, những vở kịch dành cho thiếu nhi được biểu diễn gần như quanh năm.

Đặc biệt, những vở kịch nổi tiếng được biểu diễn thường xuyên trở thành thương hiệu của một số nhà hát. Và có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mặc dù sự phát triển vượt bậc của điện ảnh đã khiến cho thiếu nhi choáng ngợp bởi kỹ xảo hiện đại, kỳ ảo thì những vở kịch có nội dung tương tự vẫn thu hút rất đông khán giả nhỏ tuổi đến xem hằng đêm.

Chẳng hạn, Vua sư tử tại Nhà hát Lyceum vẫn là vở diễn được xếp vào tốp đầu chương trình giải trí dành cho thiếu nhi dù bộ phim cùng tên của Disney đã chinh phục người xem toàn thế giới. Hay vở kịch Wicked dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Gregory Maguire cũng khiến người xem không thể nào quên khi rời sân khấu Apollo Victoria dù những câu chuyện về Phù thủy xứ Oz đã quen thuộc với trẻ em từ lâu.

Rồi những tác phẩm vô cùng nổi tiếng khác như nhạc kịch Matilda tại Nhà hát Cambridge, nhạc kịch Mary Poppins tại Nhà hát Hoàng tử Edward, vở Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa tại Nhà hát Palace... Khán giả thừa nhận họ bị quyến rũ bởi vũ điệu ngoạn mục, âm nhạc cuốn hút và sự hấp dẫn của sân khấu đến mức có thể đưa con cái đến xem lại vở diễn nhiều lần trong năm.

Nuôi dưỡng niềm tự hào truyền thống

Nghệ thuật sân khấu Anh khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ bởi sở hữu quá nhiều kịch tác gia vĩ đại, trong đó nổi tiếng nhất là William Shakespeare. Hoạt động của các nhà hát cũng là một truyền thống quan trọng trong văn hóa Anh suốt từ thời kỳ Phục Hưng cho tới ngày nay.

Nếu như New York có hệ thống rạp Broadway đình đám thì nước Anh, đặc biệt là ở thủ đô London cũng có một hệ thống nhà hát cực kỳ phong phú, đa dạng, trong đó nổi tiếng nhất là West End - hệ thống sân khấu kịch được xây dựng từ thế kỷ XIX. Hệ thống nhà hát West End là một sự kết hợp đa dạng của các địa điểm, từ Nhà hát Apollo Victoria đồ sộ với hơn 2.300 chỗ ngồi cho đến Nhà hát Nghệ thuật với sức chứa chỉ 350 người. Bất chấp sự khác biệt về kích thước, West End là nơi dàn dựng một loạt vở nhạc kịch và vở kịch nổi tiếng bậc nhất nước Anh. Từ vở kịch dài nhất thế giới The Mousetrap tại Nhà hát St. Martin cho đến các vở nhạc kịch kinh điển như Les Miserables tại Nhà hát Sondheim; từ Vua sư tử của Disney tại Nhà hát Lyceum cho đến những vở kịch giới hạn với sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh...

Các thành phố lớn khác của Anh cũng có những nhà hát rất nổi tiếng. Nhà hát Giao hưởng ở Birmingham là một trong những thính phòng hiện đại nhất thế giới. Tại Manchester, âm thanh hoàn hảo của Bridgewater Hall đã thu hút các nghệ sĩ và nhạc trưởng hàng đầu thế giới tới biểu diễn. Khu vườn trong các lâu đài và dinh thự nông thôn cũng trở thành những sân khấu nhỏ vào mùa hè...

Nhiều người nghĩ rằng sân khấu đã dần bị phim ảnh, truyền hình hay âm nhạc đương đại “bóp chết”, nhưng nhìn qua danh mục sân khấu trên Tạp chí Time Out sẽ thấy ngay rằng không phải vậy. Kịch cổ điển tiếp tục được trình diễn tại Nhà hát Quốc gia, kịch mới vẫn đều đặn xuất hiện tại Royal Court và Bush, các tác phẩm thể nghiệm và hài kịch tổng hợp thường xuyên có mặt tại các sân khấu thử nghiệm và các nhà soạn kịch như David Hare, Tom Stoppard và Terry Johnson không bao giờ thiếu khán giả...

Người Anh tự hào về truyền thống kịch nghệ của mình, họ muốn truyền tình yêu tới lớp kế cận. Kể từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Hội đồng Nghệ thuật Anh đã đầu tư 589 triệu bảng Anh vào một loạt các chương trình giáo dục nghệ thuật, trong đó có sân khấu và âm nhạc. Chính phủ Anh xác định nghệ thuật và văn hóa là rất quan trọng đối với trí tưởng tượng, cách thể hiện bản thân và sức sáng tạo ở những người trẻ tuổi. Nó cũng phát triển các kỹ năng thúc đẩy sự thành công của các ngành công nghiệp sáng tạo của Vương quốc Anh và điều đó sẽ dẫn đến thế hệ tài năng sáng tạo tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu Anh: Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.