Samsung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tiếp 3 tỷ USD vào Bắc Ninh để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình (Samsung Displays), nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam lên con số hơn 11,7 tỷ USD.
Thông tin này vừa được chia sẻ trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son với Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Han Myoung Sup sáng nay, 9/9/2015, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (phải) tiếp TGĐ Tổ hợp Samsung VN Han Myoung Sup. Ảnh: Giang Phạm |
Theo ông Han Myoung Sup, hiện hai cụm nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang có quy mô 110.000 nhân lực, tăng thêm 10.000 người so với thời điểm tháng 7/2015. "Chúng tôi đang có nhiều đơn hàng và nhiều model sản phẩm mới ra mắt nên cần tuyển dụng thêm rất nhiều lao động", ông Sup lý giải. Cũng theo vị TGĐ Tổ hợp Samsung thì hoạt động kinh doanh của Samsung tại Việt Nam đang tiến hành thuận lợi và có thể đạt, thậm chí vượt các mục tiêu đề ra.
Không riêng Thái Nguyên và Bắc Ninh mà khu phức hợp 1 tỷ USD của Samsung tại TP.HCM mới đây cũng vừa động thổ, mở rộng quy mô từ 20ha lên 110 ha, với tiến độ xây dựng nhà xưởng, nhà máy sản xuất TV đang "rất nhanh". Ông Sup dự kiến việc xây dựng sẽ hoàn tất trong tháng 11 để nhà máy sản xuất TV tại khu phức hợp này có thể chính thức đi vào hoạt động trong tháng 2 hoặc tháng 3/2016.
Bên cạnh các nhà máy, Samsung cũng đang mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội. Hiện tại, quy mô của Trung tâm này là 1400 nhân lực nhưng kế hoạch trong thời gian tới sẽ tăng lên 5000 kỹ sư.
"Với sự thành công của Samsung Điện tử tại Việt Nam, nhiều thành viên khác của Tập đoàn cũng đã quan tâm tới việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam những lĩnh vực như năng lượng, bảo hiểm, hạ tầng và đang nghiên cứu xúc tiến việc đầu tư này", ông Han Myoung Sup cho biết.
Đánh giá cao sự phát triển của Samsung, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh đây là một sự phát triển rất "bài bản, căn cơ, từ R&D đến kinh doanh để đảm bảo cho sự phát triển bền vững". Ông cho rằng đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Việt Nam, bởi tuy Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhưng quy mô và tư duy toàn cầu hóa chưa nhiều. "Đa số doanh nghiệp quá tập trung cạnh tranh kinh doanh mà thiếu đầu tư thích đáng cho nghiên cứu & phát triển, chưa thể phát triển bền vững được".
Đánh giá về bức tranh đầu tư toàn cảnh của Samsung tại Việt Nam, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều con số ấn tượng như Samsung bắt đầu đầu tư vào Bắc Ninh ngay từ năm 2009, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm của Samsung trong năm 2014 đạt 26,6 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 110.000 lao động...
"Việc Samsung không chỉ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mà cả trung tâm R&D đã thể hiện rõ sự thiện chí của Tập đoàn khi tin tưởng và lựa chọn Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ. Trong đó, ông đặc biệt ghi nhận ý nghĩa của trung tâm R&D, khi trung tâm này không chỉ đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững trong hiện tại và tương lai của Samsung tại Việt Nam, mà còn là nơi tuyển dụng các tài năng chất lượng cao của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chất xám, nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước. Hơn thế nữa, đây còn là hình ảnh cụ thể để các doanh nghiệp, cả trong nước lẫn quốc tế đầu tư vào Việt Nam có thể từ đó nhận thức được rằng, muốn phát triển bền vững phải đầu tư thích đáng cho R&D.
Bộ trưởng khẳng định Bộ TT&TT hoàn toàn ủng hộ sự hợp tác giữa Hàn Quốc - Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển và mở rộng của Samsung tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông - CNTT mà còn trong các lĩnh vực mới như hạ tầng, dầu khí, bảo hiểm... Phía Bộ sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.