(HNM) - Sau khi được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia vào năm 2017, cây sâm Ngọc Linh đã được xác định là một trong những lâm sản ngoài gỗ điển hình có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững tài nguyên quý giá này, người trồng sâm cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự hợp tác của các nhà khoa học để có các biện pháp bảo tồn nguồn gen, triển khai nghiên cứu và phát triển kỹ thuật trồng trọt.
Sâm Ngọc Linh được trồng tại Kon Tum. |
Giá trị kinh tế cao
Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, sâm Ngọc Linh chính là một vị thuốc của người dân tộc Xê Đăng sống trên dãy Trường Sơn, được đồng bào dân tộc dùng để chữa nhiều loại bệnh cũng như tăng cường sức khỏe. Tên khoa học của loài này là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ nhân sâm, được các nhà khoa học phát hiện tại đỉnh núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973. Sâm Ngọc Linh được đánh giá có hàm lượng saponin rất cao, có thể lên tới 20%, cao hơn nhiều so với nhân sâm, giá trị kinh tế mang lại từ 80 đến 100 triệu đồng/kg tươi. Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đến năm 2030 với tổng mức đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Tháng 6-2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.
Cho đến nay, tại Việt Nam đã có hơn 60 mẫu sâm thuộc chi Panax đã được tìm thấy ở những vùng núi cao trên 1.300m so với mực nước biển như dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai); Mường Tè, Tam Đường (Lai Châu); cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng)... Bên cạnh sâm Ngọc Linh, hiện đã có 27 công bố quốc tế về sâm Việt Nam nói chung được đăng tải trên các tạp chí quốc tế. Các nghiên cứu đã xác định hơn 50 loại saponin, trong đó, 24 loại saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina -ginsenoside - R1 - 24 với nhiều tác dụng dược lý như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương, tác dụng trên hệ sinh dục (androgen hoặc estrogen), chống stress, chống ôxy hóa, cải thiện trí nhớ, kích thích miễn dịch, kháng khuẩn, hạ đường huyết... Sâm Việt Nam còn chứa một tỷ lệ cao majonosid-R2 - đã được chứng minh là có tác dụng chống stress, chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống ôxy hóa và khối u.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), dù sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, việc bảo tồn và phát triển loại cây này mới được thực hiện với quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng. Số hộ dân trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm tới việc thương mại hóa loại sâm này. Ông Hồ Quang Bửu đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng, ban hành cơ chế phù hợp để mời gọi các tập đoàn lớn kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào việc trồng và sản xuất những sản phẩm về sâm.
Cần sự chung tay của nhà khoa học
Tại một cuộc hội thảo bàn về giải pháp phát triển cây sâm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, việc phát triển sâm Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về kinh tế từ việc thương mại hóa các sản phẩm từ sâm, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Đến nay, đề án đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều địa phương, các tổ chức, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và đặc biệt là có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và người dân địa phương.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cây sâm là loại dược liệu chữa bệnh dùng cho con người, vì vậy, mọi phần việc từ sản xuất cây giống đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu... phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế khác. GS.TS Nguyễn Minh Đức thì nhấn mạnh tới việc cập nhật liên tục thông tin khoa học về trồng trọt, kỹ năng canh tác, khai thác nguồn sâm... bởi điều này giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định tới yếu tố dược lý trong sâm. Còn theo ông Hồ Quang Bửu, vấn đề mà các địa phương đang phát triển sâm Ngọc Linh quan tâm là làm sao bảo tồn nguồn gen gốc một cách khoa học thay vì thực hiện điều đó theo kinh nghiệm dân gian.
Về khả năng thương mại hóa sâm Ngọc Linh, GS.TS Park Jeong Hill, Trường Đại học Dược - Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, so với sâm Hàn Quốc - một trong những loại dược liệu nổi tiếng nhất trên thế giới, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất trong thời gian qua ở Hàn Quốc, thì sâm Việt Nam có lịch sử ngắn và chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, sâm Việt Nam có tiềm năng cao để trở thành sản phẩm tương tự như sâm Hàn Quốc do có hàm lượng saponin cao. GS.TS Park Jeong Hill cho biết thêm, hiện nay, sâm Hàn Quốc đã có 3.774 công bố quốc tế liên quan trong khi sâm Việt Nam mới chỉ có 27 công bố; con số này với tam thất (sâm Trung Quốc) là 856, với sâm Mỹ là 781.
Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục có thêm các nghiên cứu, công bố khoa học về sâm. Đó là các bằng chứng khoa học về chất lượng, lợi ích của sâm Việt Nam và cũng là cơ sở để thế giới công nhận và nâng cao nhu cầu sử dụng sâm. GS.TS Park Jeong Hill tin rằng, với quyết tâm của các địa phương cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự vào cuộc của giới nghiên cứu, sâm Việt Nam trong 5-10 năm tới sẽ có khả năng vươn ra thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.