Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai phạm tràn lan, xử lý trên "giấy"

Nhóm PV Phóng sự điều tra| 13/08/2013 05:50

(HNM) - Hàng vạn mét vuông đất nông nghiệp màu mỡ trên các cánh đồng trồng lúa và vùng bãi của xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã và đang bị xâm hại để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Đê điều...

Nhà cao tầng “mọc” trên đất nông nghiệp ở thôn An Hạ. Ảnh: Đỗ Chí


"Điểm tiểu thủ công nghiệp"... chui

Nằm lẩn khuất trong những vườn nhãn, táo và những ruộng ngô, rau ăn lá... trên vùng đất bãi sông Đáy, thuộc thôn Lại Dụ, xã An Thượng là những xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp rộng hàng nghìn mét vuông. Qua thống kê sơ bộ của chúng tôi, tại đây có hơn 10 xưởng sản xuất, xưởng nhỏ nhất cũng rộng vài trăm mét vuông, xưởng lớn lên đến hàng nghìn mét vuông và đều đang hoạt động hết công suất. Trong hơn 10 xưởng này, thì có một nhà xưởng xây dựng dở dang, gạch xây và khung mái nhà tôn còn mới... Quan sát kỹ, chúng tôi còn phát hiện một đơn vị chức năng ở thôn Lại Dụ (được ghi ở phía dưới biển là "Ban quản lý công trình") đã cho trưng một tấm biển ghi: "Danh sách đăng ký tự nguyện đóng góp kinh phí làm đường trục chính bãi trên thôn Lại Dụ...". Trên tấm biển ghi rõ những "mạnh thường quân": "HTX Nông nghiệp Lại Dụ, Trại cây Lại Dụ, CT ông Tuấn Lại Dụ, CT TPX Việt Nam, xưởng sơn anh Thành, xưởng cơ khí ông Bình..." đã có đóng góp các mức tiền khác nhau để xây dựng đường giao thông. Chính vì vậy mà cơ sở hạ tầng ở đây đã được xây dựng khá kiên cố, đồng bộ: Đường điện bảo đảm cho sản xuất công suất lớn; đường giao thông rộng rãi, chắc chắn cho xe tải chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu; nhà xưởng được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất lâu dài... Điều đáng nói, hơn 10 nhà xưởng ngang nhiên hoạt động này lại nằm hoàn toàn trên vùng đất bãi nông nghiệp, chưa được quy hoạch là điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Nguy hiểm hơn, "điểm tiểu thủ công nghiệp chui" này còn nằm trên bờ đê tả sông Đáy, trong khu vực hành lang thoát lũ rất quan trọng của thành phố Hà Nội.

Nghiêm trọng nhất là ở gần đê tả Đáy cũng thuộc vùng bãi thôn Lại Dụ, có một xưởng sản xuất rộng hàng nghìn mét vuông nằm "chềnh ềnh" ngay chân đê như thách thức dư luận và chính quyền địa phương. Một người dân cho biết: "Đây là xưởng sản xuất mây, tre đan của một người dân ở địa phương khác đến thuê đất, tên là Hùng. Mặc dù nằm ở ngay chân đê và đã hoạt động được khoảng 2 năm nay, song chưa thấy chính quyền địa phương xử lý".

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, đây là xưởng của ông Nguyễn Đức Hùng có diện tích sử dụng 6.000m2 có hợp đồng sử dụng đất được UBND xã ký năm 2010. Các xưởng sản xuất ở vùng đất bãi cũng vậy, đều được xã An Thượng và HTX Nông nghiệp Lại Dụ ký cho thuê đất trái thẩm quyền. Đề cập đến trách nhiệm xử lý trường hợp ông Hùng cũng như các vi phạm khác, ông Đại phân trần: "Vi phạm đã vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương, chúng tôi đang báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của huyện". Ông Đại còn biện minh: "Người ta đã đầu tư hàng tỷ đồng, cưỡng chế, đập phá sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nếu có ảnh hưởng lớn đến môi trường, đến khu dân cư, đến công trình lớn của Nhà nước, thì phải kiên quyết xử lý để bảo đảm kỷ cương. Còn không ảnh hưởng thì có thể nhân nhượng được, tạo điều kiện cho người ta trong thời gian nhất định để hoàn lại vốn. Khi vào quy hoạch công trình nào đó, thì buộc phải tháo dỡ và không được hưởng chế độ ưu đãi, như thế sẽ phù hợp". Nhà xưởng kiên cố, rộng hàng nghìn mét vuông như trường hợp ông Hùng và nhiều trường hợp khác không thể làm ngày một ngày hai là xong. Không hiểu vì lý do gì và khi đó chính quyền xã An Thượng ở đâu mà để người dân đầu tư hàng tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng trên đất sản xuất nông nghiệp, bây giờ lại xót xa cho họ (!?). Ngoài ra, như lời ông Đại nói thì các trường hợp vi phạm ở thôn Lại Dụ, nhất là trường hợp làm nhà xưởng ngay chân đê của ông Hùng là có thể "nhân nhượng"(!?)

Nhà xưởng xây dựng dở dang ở vùng bãi thôn Lại Dụ, trên bờ sông Đáy.


Hợp thức hóa sai phạm...?

Không chỉ ở thôn Lại Dụ, tình trạng chuyển đổi đất sai mục đích, biến đất nông nghiệp thành nhà ở, xưởng sản xuất diễn ra tràn lan trên địa bàn của cả 5 thôn của xã An Thượng. Chỉ một đoạn đường dài khoảng 500m từ đường 72 vào trụ sở UBND xã An Thượng, sơ qua chúng tôi cũng đã đếm được gần 10 mô đất mới, vừa đổ dọc hai lề đường, đang lấn dần các ruộng lúa xanh tốt; nhiều ngôi nhà tạm đã được mọc lên; không ít chồng gạch đã được xếp, sẵn sàng xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp.

Tại thôn An Hạ, chúng tôi thấy có hàng trăm ngôi nhà kiên cố 3-4 tầng, cấp 4 "mọc" ngay trên đất nông nghiệp, không ít trường hợp vừa được làm, vẫn còn mới. Một "cò đất" lâu năm ở thôn An Hạ cho biết: "Khu đất này có vị trí đẹp, nằm sát Khu đô thị Nam An Khánh, đã có thời kỳ "sốt", giá đất đẩy lên 17-18 triệu đồng/m2. Hiện tại thị trường nhà đất đóng băng, nhưng ở vị trí đường rộng vẫn có giá hơn 10 triệu đồng/m2; ở phía trong cũng phải từ 5-6 triệu đồng/m2". Một "cò đất" khác cho biết thêm: "Đây là đất 5%, yên tâm! Xây nhà à? Người ngoài mấy chục triệu, nếu qua tay người dân địa phương "xử lý", thì khoảng 10 triệu nộp phạt hành chính là xong". Người "cò đất" khá nhiệt tình, tiết lộ thêm một số thông tin khá "nhạy cảm" trong việc lo lót để làm nhà trên đất nông nghiệp, mà họ tự nhận là "đã có kinh nghiệm". Để chứng minh cho điều đó, người "cò đất" đã kể ra một số trường hợp ở các địa phương khác về đây mua đất, làm nhà to như biệt thự, mà không hề hấn gì. Không chỉ có vậy, HTX Nông nghiệp An Hạ cũng đã ký hợp đồng cho khoảng 40-50 hộ thuê hàng vạn mét đất vượt thẩm quyền, với thời hạn từ 2-9 năm và nhiều hộ đã sử dụng sai mục đích, xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp...

Để hiểu rõ thêm việc quản lý, sử dụng đất đai tại xã An Thượng, chúng tôi phải rất vất vả mới được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Đại "gượng ép" tiếp. Ông Đại cho rằng, những thông tin liên quan đến quản lý đất đai chỉ có cán bộ chuyên môn (cán bộ địa chính) là nắm rõ nhất, nhưng do "xã rất nhiều việc", nên không thể bố trí cán bộ tiếp phóng viên. Đề cập đến vấn đề quản lý đất đai, ông Đại nói: Những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại đây xảy ra từ những năm 1994 trở lại đây và diễn ra ở cả 5 thôn, nghiêm trọng nhất là ở An Hạ và Ngự Câu, với hàng trăm trường hợp vi phạm. Ngoài các vi phạm làm nhà, xưởng trên đất nông nghiệp, cả 5 HTX nông nghiệp của 5 thôn đều ký các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp trái thẩm quyền. HTX ký ít nhất cũng phải vài chục hợp đồng, nhiều lên tới hơn 100 hợp đồng, với tổng diện tích hàng chục héc ta và có hơn 50% số hợp đồng sử dụng đất sai mục đích.

Cũng theo ông Đại, hiện xã đang tiến hành rà soát, phân loại những trường hợp vi phạm; hợp đồng nào do HTX ký, hợp đồng nào UBND xã ký, hợp đồng nào là đất 5%, đất bãi... Trên cơ sở đó, vùng nào phù hợp với quy hoạch sẽ đề xuất với UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo Quyết định 13 của UBND TP Hà Nội và nơi nào không phù hợp sẽ xử lý, trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với hơn 10 hộ làm nhà xưởng sản xuất trên vùng bãi thôn Lại Dụ, chính quyền thôn đang đề nghị đưa khu vực này vào quy hoạch điểm làng nghề và HĐND xã đã nhất trí thông qua. Huyện Hoài Đức cũng đã nhất trí về chủ trương cho quy hoạch điểm làng nghề rộng hơn 10ha trong kế hoạch giai đoạn 2015-2020. "Chủ trương của xã là sẽ quy hoạch vào vị trí hơn 10 nhà xưởng đang hoạt động..."- ông Đại nhấn mạnh.

Chưa nói đến việc có phù hợp với Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội hay không, riêng việc quy hoạch điểm làng nghề ở vùng bãi, ngay trên hành lang thoát lũ sông Đáy đã là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến dòng chảy, an toàn đê điều, nhất là trong mùa mưa bão đang diễn ra? Về vấn đề này, ông Hồ Trung Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức khẳng định: Tình hình vi phạm về đất đai ở xã An Thượng hết sức phức tạp và huyện vẫn đang chỉ đạo địa phương xử lý. Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý, không nhẹ tay với bất cứ trường hợp nào. Thế nhưng, sau nhiều năm xử lý vi phạm sử dụng đất đai ở xã An Thượng, mọi công việc vẫn chỉ nằm trên "giấy" và vẫn chỉ dừng lại ở khâu "rà soát, phân loại"? Chính vì vậy, tình trạng vi phạm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sớm vào cuộc, chỉ đạo huyện Hoài Đức xử lý dứt điểm những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai tại xã An Thượng, ngăn chặn ngay nguy cơ hợp thức hóa cho vi phạm ở nơi đây, tránh tiền lệ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm tràn lan, xử lý trên "giấy"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.