Sắc xuân trên miền đá
Sau những ngày ngủ đông, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thức giấc với những mảng màu thiên nhiên rực rỡ trên khắp những rẻo cao. Nắng xuân ấm áp thay cho những ngày mưa phùn, giá lạnh. Hoa cải ngập tràn thung lũng, hoa đào, hoa mận, hoa lê khoe sắc nên nền đá xám, mùa xuân nơi đây được báo hiệu bởi sắc màu rực rỡ của hoa trải dài trên triền núi và trên những con đường dẫn về bản nhỏ. Khi cao nguyên cởi bỏ chiếc áo cỏ dại là lúc đồng bào nơi đây bắt đầu vụ mùa mới...
Nét hùng vĩ của núi đồi trùng điệp, của mây trắng, nắng vàng, và đặc biệt là nét ngọt ngào, duyên dáng, tinh khôi của những loài hoa đặc trưng của miền núi phía Bắc đã tô điểm sắc màu mùa xuân lên “Miền đá nở hoa”.
Cao nguyên đá đẹp nhất là qua sau Tết Nguyên đán, khi cái lạnh trên vùng cao nguyên đá dần tan biến, những nụ hoa đào mới bắt đầu bung nở. Hoa đào ở Hà Giang thường nở muộn hơn đào dưới xuôi. Do thời tiết trên những vùng núi cao Hà Giang thường rất lạnh, nên những cây đào thường ngậm nụ rất lâu. Chỉ khi có nắng xuân, thời tiết ấm lên, hoa đào mới bung nở rực rỡ.
Sự khô cằn và khắc nghiệt của thiên nhiên trên cao nguyên đá đôi khi lại tạo nên những vẻ đẹp lạ lỳ. Những bàn tay lao động cần mẫn của đồng bào dân tộc nơi đây (người Mông, Dao, Nùng…) như vẽ nên một cảnh sắc đẹp lạ lùng mỗi độ đông qua, xuân tới. Nhiều người còn ví không gian của khoảng thời gian này trên mảnh đất Hà Giang là “mùa đá nở hoa”, khắp nơi đều bạt ngàn màu của hoa, màu vàng của hoa cải, trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê, đỏ thắm của hoa đào, hoa gạo, thẫm của hoa thun tu…
Những ngày đầu tháng 3, hoa đào, hoa lê, hoa cải tiếp tục nở bung trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ở Đồng Văn, hoa đào nở nhiều và đẹp nhất ở Sủng Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Lũng Cú, Ma Lé, Thài Phìn Tủng.
Xã vùng cao Sủng Là nằm trên quốc lộ 4C, nối Yên Minh với trung tâm cao nguyên đá Đồng Văn. Khi du khách tới đỉnh dốc ngã 3 lối dẫn đi Phó Bảng, thung lũng Sủng Là sẽ hiện ra trước mắt với những ngôi nhà trình tường được bao quanh bởi màu vàng hoa cải và sắc trắng, hồng của hoa lê, hoa đào.
Những bông hoa đào chúm chím, khoe sắc dưới ánh nắng nhạt của những ngày đầu xuân thật sự khiến lòng người không khỏi xao xuyến.
Đáng chú ý nhất trong hành trình săn hoa đào, hoa mận Hà Giang mùa xuân 2021 tại Sủng Là chính là nhà của Pao ở thôn Lũng Cẩm, Sủng Là.
Là bối cảnh chính của bộ phim "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", nhà của Pao bỗng chốc trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh Hà Giang với đặc trưng tường rào đá, mái ngói âm dương, khoảng sân giếng trời… luôn vẫn là những hình ảnh thu hút du khách chụp ảnh lưu niệm và các nhiếp ảnh gia săn ảnh.
Đường vào Lao Xa cheo leo bên vực, phía dưới là con đường huyết mạch (quốc lộ 4C) chạy xuyên cao nguyên đá về thị trấn Đồng Văn cách đó chừng 25 km. Bên đường ngập tràn sắc đào.
Cảm nhận đầu tiên về Lao Xa đối với các du khách là vẻ đẹp hoang sơ của bản làng nằm giữa đá tai mèo, với những nếp nhà trình tường đậm đà bản sắc dân tộc Mông. Toàn thôn có 5 ngôi nhà cổ với tuổi đời gần 80 năm.
Nếu mận, đào thường khoe sắc bên bờ rào đá, phủ lên mái nhà, thì ở Lao Xa, hoa cải trắng - vàng được trồng dọc lối đi vào thôn, với những thửa ruộng lớn. Trẻ em ở Lao Xa chưa bị ảnh hưởng nhiều từ du lịch nên còn rất hồn nhiên.
Rất nhiều du khách cùng nhiếp ảnh gia thường chọn thuê xe máy để săn ảnh khắp các nẻo đường. Đi xe máy có thể vào các đường nhỏ, đi sâu vào các bản xa: Lao Xa, Sảng Tủng, Lá Xỉe, Mao Túa Xủng, Sủng Pờ… Bởi chỉ có lùng sục trong những nơi thâm sơn cùng cốc ấy mới có thể tìm thấy những cây đào cổ thụ và ngôi nhà trình tường với mái ngói âm dương đẹp đến nao lòng.
Tới bản Lao Xa, du khách sẽ cảm thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Những con đường đất nhỏ chạy quanh co, bên cạnh là những ngôi nhà trình tường của người Mông lợp mái ngói âm dương màu nâu sẫm, nổi chìm ẩn hiện trong sắc đỏ của những vườn đào, chen vào đó là những cây mận, cây lê nở hoa trắng muốt.
Sắc hoa đào, hoa mận trên cao nguyên đá mùa xuân nổi bật trên nền xanh của núi rừng, xám của núi đá và xanh trong của bầu trời. Sắc thắm lộng lẫy đầy bí ẩn ấy sẽ làm nổi bật và làm sáng cả bầu trời.
Anh Nguyễn Đình Hà, một du khách Hà Nội chia sẻ: "Mỗi năm đến với miền cao nguyên đá là một cảm xúc khác nhau, mình đến với cao nguyên đá nhiều lần từ năm 2016 đến nay, luôn thấy cao nguyên đẹp hùng vĩ với cỏ cây chen đá lá chen hoa, những nếp nhà trình tường bên bờ rào đá, những sắc màu của đào, lê, mận bung nở mang theo sức sống mãnh liệt của miền cao nguyên đá… cũng kịp ghi lại bằng mắt, máy ảnh những khoảnh khắc tuyệt vời của mùa xuân. Bởi nếu không lưu giữ lại những khoảnh khắc này thì những hình ảnh cây đào mọc bên bờ rào đá và nhà trình tường sẽ không còn nhiều như xưa. Mái lợp fibro xi măng đang thế chỗ ngói âm dương, gạch ba banh thay tường đất. Đó chính là ký ức vẹn nguyên của tôi về một vùng đất làm nao lòng biết bao người hiển hiện rõ ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc".
Thời điểm đầu tháng 3 này, hoa gạo cũng nở trên mảnh đất cao nguyên đá, đi dọc trên đường, ta thấy những hàng gạo nở bung in sắc đỏ, cam lên bầu trời xanh ngắt. Trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá bỗng xuất hiện nụ hoa chúm chím, rồi nở bung nhuộm đỏ một góc trời.
Mùa hoa gạo khiến lòng người thổn thức. Vạt hoa gạo nở dọc dòng sông trên con đường đi Mèo Vạc, có nhiều cây gạo mọc giữa dòng sông bị ngập ngang thân, điểm xuyết có vài người dân đi bè mảng chở ngô đi ngang qua trên sông từ trên cao trông xuống đẹp như bức tranh thủy mặc.
Ngoài sắc đỏ đặc trưng, nhiều cây gạo tại đây còn có hoa màu cam. Theo người dân địa phương, năm nay hoa gạo ở Hà Giang nở nhiều và đẹp hơn các năm trước. Khắp núi rừng Hà Giang, đâu đâu cũng thấy màu hoa gạo.
Tình người miền đá
Khi mới nghe đến cái tên Phố Cáo vào lần đầu đến Hà Giang, chắc chắn ai cũng có thể hiểu đây là một khu phố sầm uất giống như ở các thành phố. Tuy nhiên, thực chất đây là một thung lũng ở vùng cao Tây Bắc, thuộc huyện Đồng Văn. Và khác xa với tưởng tượng, đến đây du khách sẽ nhận ra được nét hoang sơ, mộc mạc của địa danh này.
Người dân Phố Cáo phần lớn là người dân tộc, cuộc sống còn nghèo khó nhưng rất thân thiện. Họ chào đón những người khách lạ bằng bằng những nụ cười ấm áp, luôn mở rộng cửa mời khách vào nhà chơi.
Chúng tôi trở lại Phố Cáo vào dịp đầu tháng 3 này, trời đất bồng bềnh trong biển sương, nắng vàng chan hòa những nương hoa cải vàng rực, những cây đào, cây mận, mái ngói rêu phong như chìm trong chốn bồng lai. Thấp thoáng những đứa trẻ trong vườn cải, bên cây đào, lê với nụ cười hồn nhiên và cái tay thân thiện chào du khách.
Mùa xuân đến cũng là thời điểm đồng bào nơi đây bắt đầu gieo trồng, mở đầu một vụ mùa mới. Gặp gia đình người dân đang cày ruộng và tra hạt cho vụ xuân mời tôi bát rượu, đưa bát rượu ngô ấm nóng tỏa mùi thơm ngào ngạt lên miệng, nhấp một ngụm vào miệng thì ôi chao, bao mệt mỏi như tan biến, nhấm ít một mà bát vơi đi lúc nào không hay, tâm trí lâng lâng sảng khoái.
Rượu ngô cũng là một đặc sản của vùng đất này. Đây là vùng cao nguyên đá nên không có đất sản xuất, mỗi hốc đá người ta bỏ vào đó một nắm đất và một hạt ngô, sau vài tháng là thu hoạch mà không tốn công chăm sóc. Thứ ngô đó thu hoạch về được tãi hạt, phơi khô làm lương thực và nấu rượu, nếu đến đây, bạn nên thử thứ rượu ngô thơm ngọt này và mua một ít về làm quà.
Cao nguyên đá Đồng Văn được biết đến là mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Mảnh đất ấy không chỉ đẹp bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co bên sườn núi đá như dải lụa vắt ngang lưng trời mà còn đẹp bởi những sắc màu văn hóa ẩn chứa trong đó.
Những phiên chợ đầy sắc màu trải dài từ Quản Bạ lên Đồng Văn, chợ Mèo Vạc (Hà Giang) diễn ra vào chủ nhật hằng tuần. Khu chợ xuân nằm ở chính giữa những dãy núi cao, nép mình bên vách núi đá bạt ngàn hoa và mây mù.
Chúng tôi bắt gặp trong chợ là những người dân tộc với các trang phục đủ sắc màu như những sắc hoa trên đá, họ đến phiên chợ để trao đổi những sản vật đặc trưng như “lợn cắp nách”, giống lợn thuần chủng của người Mông. Họ luôn nở nụ cười thân thiện mời du khách thử chén rượu, khăn đội đầu, quần áo…
Đó cũng chính là tình người ấm áp của người dân nơi xứ đá khô cằn khắc nghiệt.
Cao nguyên đá Đồng Văn vốn dĩ bao giờ cũng đẹp, khiến cho bao người phải thương nhớ khôn nguôi. Nét hùng vĩ của núi đồi trùng trùng điệp điệp, của mây trắng, nắng vàng, và đặc biệt là nét ngọt ngào, duyên dáng, tinh khôi của những loài hoa đặc trưng của miền núi phía Bắc đã tô điểm sắc màu mùa xuân lên “miền đá nở hoa”.