(HNM) - Các cấp, ngành và địa phương đã vào cuộc quyết liệt, song do thủ tục đăng ký sản xuất rượu rườm rà nên tình trạng rượu không rõ nguồn gốc tràn lan thị trường.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất rượu thủ công tại xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam |
Nấu rượu không có giấy phép
Chỉ trong nửa cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2017, ngay tại địa bàn Hà Nội đã xảy ra 15 trường hợp ngộ độc nặng do sử dụng các loại rượu có hàm lượng methanol cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Sau khi xảy ra những vụ việc trên, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai tổng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) rượu trên địa bàn thành phố... Chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 4-3 đến ngày 4-4-2017), Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra 711 trường hợp, xử lý 647 trường hợp; phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng; tạm giữ, tịch thu gần 40.000 lít rượu...
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về SXKD rượu nêu rõ, thẩm quyền cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công Thương thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Đối với những cơ sở sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì cơ sở đó phải đăng ký với UBND xã, phường tại nơi đặt cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều là những cơ sở sản xuất rượu thủ công, chưa được Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã hay chính quyền xã, phường tuyên truyền hướng dẫn cụ thể. Điển hình như tại huyện Đan Phượng, dù có đến 500 hộ dân nấu rượu nhưng Phòng Kinh tế mới chỉ cấp phép cho 2 doanh nghiệp và 2 hộ bán lẻ rượu. Theo phản ánh của các hộ sản xuất rượu thủ công thì thủ tục cấp phép sản xuất rượu khá phức tạp, rườm rà.
Cần cơ chế xử lý nghiêm
Theo Bộ Công Thương, hiện các địa phương chưa bố trí được nguồn ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm nên việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng methanol trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ. Hầu hết cơ sở SXKD bán buôn, bán lẻ rượu cũng chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình.
Để kiểm soát tận gốc việc sản xuất rượu, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của UBND các cấp trong việc tổ chức hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất theo quy định. UBND các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy mạnh việc kiểm tra các làng nghề, cơ sở nấu rượu nhằm ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển rượu không bảo đảm chất lượng về tiêu thụ tại Hà Nội. Có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh bán lẻ rượu; có định hướng quy hoạch khu vực, địa điểm kinh doanh rượu… là một đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Được biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị đinh số 94/2012//NĐ-CP về SXKD rượu đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thành để trình Chính phủ thông qua, nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với mặt hàng rượu. Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công sẽ thực hiện cấp giấy phép nhưng đơn giản hóa thủ tục để tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất được cấp phép. Đối với hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ, phải được cung cấp bởi thương nhân có giấy phép sản xuất, phân phối bán buôn hoặc bán lẻ rượu và bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Ngoài ra để tăng cường quản lý và phòng ngừa những hệ lụy do tiêu dùng rượu thủ công không phép, không bảo đảm chất lượng, ông Chu Xuân Kiên đề xuất, cần bổ sung quy định cấm trưng bày, bán các loại rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc, tem nhãn dưới mọi hình thức; tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm hoạt động SXKD rượu; nâng cao vai trò của cơ quan QLTT và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã, huyện trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.