An toàn thực phẩm

Rước bệnh vì tiếc thức ăn thừa, thực phẩm hỏng

Xuân Lộc 15/08/2023 - 07:04

Với tâm lý “tiếc của”, nhiều người khi phát hiện thấy thực phẩm bị hỏng, hoặc nhiễm nấm mốc nhưng vẫn cố tình chế biến làm thức ăn. Hậu quả là không ít người đã phải trả giá đắt bằng cả sức khỏe và tính mạng vì thói quen gây hại này.

benh-nhan.jpg
Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

“Thủ phạm” gây bệnh…

Chỉ vì “tiếc của” nên sau khi phát hiện lợn bị ốm và mắc bệnh, một người đàn ông 62 tuổi, ở Lai Châu vẫn giết mổ và chế biến thành món ăn. Chỉ hai ngày sau khi ăn thịt lợn bệnh, từ một người hoàn toàn khỏe mạnh, người đàn ông này đã được chuyển từ bệnh viện tỉnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, suy đa tạng… do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Tương tự, nhiều người có thói quen bảo quản thức ăn thừa, hoa quả đã gọt ăn không hết trong tủ lạnh vì nghĩ sẽ bảo đảm an toàn. Thế nhưng, nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập gây biến đổi chất, dẫn đến ngộ độc. Mới đây, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) đã cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn dưa lê đã bổ để trong tủ lạnh từ tối hôm trước.

Thậm chí, không ít người khi thấy đồ ăn bị nấm mốc thường có thói quen cắt bỏ phần bị mốc và tiếp tục ăn phần còn lại. Đề cập đến thói quen gây hại này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố và ít nhiều đều gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố từ nấm mốc có mức độ độc hại khác nhau. Chính vì vậy, khi xâm nhập vào cơ thể con người chúng cũng gây bệnh không giống nhau.

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lưu ý, trong các loại lương thực, thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, thì các loại hạt bị mốc được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là hạt lạc. Thủ phạm làm các loại hạt bị mốc là một loài nấm mốc nguy hiểm có tên là Aspergillus flavus. Nấm này tiết ra độc tố Alfatoxin cực kỳ nguy hiểm. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Do đó, khi thực phẩm đã bị nhiễm nấm mốc thì cần loại bỏ, không nên tiếc rẻ mà sử dụng.

Còn theo bác sĩ Chu Thị Tuyết, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Hữu Nghị), với các thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ 4-60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Đặc biệt, ở một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại cho cơ thể con người. Do đó, thức ăn thừa được lưu trữ, bảo quản không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Không mua bán, tiêu thụ thực phẩm hỏng

Theo các chuyên gia y tế, có trên 20 loại bệnh truyền nhiễm từ lợn bệnh, lợn chết có thể lây sang người cho dù khi chế biến các món ăn đã được nấu chín. Các vi khuẩn gây bệnh này sẽ sinh ra những độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng. Mặt khác, nhiều bệnh ký sinh trùng khác từ lợn có thể lây sang người như sán dây lợn, sán lá gan...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người dân không nên sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Đề cập đến một số loại thực phẩm mà người dân không nên “tiếc của” khi ăn thừa để lại, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, có một số thực phẩm như rau chín, trứng, hải sản, canh cua, nước trà xanh... dù bảo quản trong tủ lạnh cũng không nên để qua đêm bởi dễ gây mất hết vitamin và sản sinh các chất gây hại cho sức khỏe.

Ngay cả một số thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng để lâu trong tủ lạnh cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Riêng với rau xanh chỉ nên để trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, không tốt cho sức khỏe.

“Những loại nước canh ăn thừa để lại qua đêm trong nồi kim loại như nhôm, inox còn dễ bị thôi nhiễm chất độc hại từ các sản phẩm kim loại ra món ăn. Sử dụng nước canh xương bảo quản trong tủ lạnh bằng cách này cũng dễ kéo theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý thêm.

Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc, mắc bệnh do ăn phải độc tố của nấm mốc, người dân cần áp dụng các biện pháp đề phòng như không nên mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc (gồm: Gạo, lạc, đậu nành, ngô, bánh ngọt, mứt, ô mai...). Mặt khác, người tiêu dùng không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm hay cắt bỏ phần đã bị mốc để tiếp tục sử dụng vì độc tố sẽ còn lại ở bên trong và gây bệnh.

Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì không được sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, nên báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc. Cách xử trí cấp cứu trước tiên là cần làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rước bệnh vì tiếc thức ăn thừa, thực phẩm hỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.