(HNM) - Cùng với Việt Nam, không khí đón tết Nguyên đán 2016 được tổ chức náo nhiệt ở nhiều quốc gia Châu Á, Châu Âu, Mỹ… Đặc biệt, không khí đón Tết ngập tràn khắp những khu phố có người Châu Á sinh sống và làm việc khi hình ảnh những chú khỉ được trang trí để chào đón năm mới Bính Thân.
Người dân Trung Quốc đón tết Nguyên đán 2016. |
Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, những màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu đã thắp sáng bầu trời thành phố này. Nhiều địa điểm cố định đã được lập nên để người dân có thể đến đốt pháo hoa. Hàng nghìn người đã đổ tới các chùa chiền để cầu mong năm mới tốt lành, phát tài, phát lộc hay tới các lễ hội cũng như các khu chợ ngoài trời nhân ngày đầu năm mới. Không giống với năm mới của phương Tây, người Trung Quốc năm nay ăn Tết 15 ngày và tết Nguyên đán cũng là dịp để hàng trăm triệu người ở quốc gia đông dân nhất thế giới đổ về quê đón năm mới cùng với người thân.
Năm nay, khắp Trung Quốc, kinh tế tăng trưởng chậm dường như đã khiến việc ăn Tết không sôi động như mọi năm. Tuy nhiên, một loạt thành phố khác tại Trung Quốc cũng đón chào năm Bính Thân 2016 với các lễ hội đèn lồng đầy màu sắc. Lễ hội được tổ chức vừa để nhắc nhở người dân về văn hóa đèn lồng đặc sắc của Trung Quốc, vừa tạo cơ hội cho người dân có nơi vui chơi cùng gia đình dịp Tết này. Trong khi đó, tại đảo Đài Loan, người dân ăn Tết kém vui hơn so với các năm trước sau khi xảy ra một trận động đất mạnh 6,4 độ richter. Các đường phố ở Đài Nam, gần tâm chấn của trận động đất, vắng vẻ hơn.
Tại một số nước Châu Á khác như Singapore, Nhật Bản, Myanmar, Hàn Quốc, Triều Tiên... các hoạt động chào đón tết Bính Thân cũng được tổ chức tưng bừng, đặc biệt tại các khu phố của người Hoa. Tất cả đều cầu chúc cho một năm con khỉ an lành và nhiều may mắn. Tại Nhật Bản, nhiều người dân có mặt ở khu phố người Hoa tại thành phố Yokohama để tham dự đêm hội cuối năm. Những đoàn múa lân hỗn hợp Nhật - Trung đã khuấy động không khí vốn rất vui vẻ của khu phố. Khu phố Hoa ở Yokohama là một trong những khu phố người Hoa lớn nhất thế giới. Trong khi đó, tại đất nước Hàn Quốc, tết Nguyên đán được gọi với cái tên Seollal - là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm mới, người dân Hàn Quốc mặc những bộ trang phục truyền thống Hanbok đa dạng màu sắc, làm những nghi lễ cúng bái tổ tiên vào mùng Một và ăn món tteokguk. Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều nghi lễ cổ truyền để chào đón năm mới.
Còn ở thành phố Rangoon của Myanmar, người dân ở đây đã được chứng kiến những màn trình diễn múa lân đặc sắc trên các con đường thuộc khu phố người Hoa. Đây là một trong những hoạt động mà cộng đồng người Myanmar gốc Hoa tổ chức nhằm đón chào tết Bính Thân. Tiếng trống rộn ràng cùng với những điệu múa lân đã đem tới không khí Tết hết sức vui nhộn với niềm hy vọng về mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm con khỉ.
Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York vừa quyết định đưa tết Nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ chính thức tại các trường công lập của thành phố này. Theo quyết định trên, các trường học được nghỉ ngày đầu năm âm lịch hằng năm để các học sinh Châu Á đón tết Nguyên đán. Như vậy, sau San Francisco, New York là thành phố lớn thứ hai đưa tết Nguyên đán của người Châu Á vào lịch nghỉ lễ chính thức của các trường học. Thành phố Los Angeles của Mỹ có số lượng lớn người gốc Châu Á sinh sống và làm việc, trong đó có đông người gốc Việt, các hoạt động đón Tết cũng được tổ chức tưng bừng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thay mặt Tổng thống Barack Obama và người dân Mỹ gửi lời chúc mừng tới tất cả người dân các nước đón tết Nguyên đán, trong đó có Việt Nam. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chúc người dân các nước "sức khỏe, thịnh vượng và thành công lớn trong năm Bính Thân 2016".
Ở Châu Âu, cộng đồng người Châu Á tại Bồ Đào Nha đã tổ chức các hoạt động nhằm chào đón tết Nguyên đán tại thủ đô Lisbon. Các hoạt động bắt đầu bằng màn diễu hành quanh khu Martim Moniz - khu vực vốn được biết đến về sự đa dạng văn hóa tại Lisbon. Hàng trăm người dân sinh sống tại Lisbon đã tới theo dõi và hứng thú với các màn múa lân, đồng thời cho rằng đây là dịp để hiểu rõ hơn về văn hóa Châu Á. Như các năm trước, thủ đô London của nước Anh tiếp tục là một trong những địa điểm tổ chức đón tết Nguyên đán lớn bên ngoài lãnh thổ Châu Á. Các hoạt động mừng năm mới Bính Thân diễn ra ở khu phố người Hoa, người Việt và các khu vực xung quanh, kéo dài đến tận ngày 14-2.
Tại Australia, Tết kéo dài cả tháng với những khu vực được trang hoàng lồng đèn, có những màn trình diễn lân - sư - rồng, triển lãm thư pháp, biểu diễn võ thuật, nhiều chợ ẩm thực, đua thuyền rồng... Thành phố Sydney càng lung linh hơn trong những ngày tết Bính Thân. Các công trình tiêu biểu của thành phố như Nhà hát Opera Sydney hay cầu cảng đều đã được chuyển sang ánh sáng màu đỏ - màu của sự may mắn. Cộng đồng người gốc Hoa ở Auckland, New Zealand cũng đón tết Nguyên đán với những lời cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp trong ánh sáng rực rỡ của pháo hoa và sự rộn ràng của điệu múa sư tử…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.