(HNM) - Dư âm của Tết cổ truyền vẫn hiện hữu khắp các xóm, thôn với những lễ hội đầu Xuân. Song cùng với du Xuân, trẩy hội, bà con nông dân từ vùng núi cao Ba Vì đến vùng trũng Phú Xuyên không quên công việc đồng áng, chăn nuôi. Trên các cánh đồng, bà con đang tích cực đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân với mong ước một năm
Ngày mùng ba Tết, xuôi tuyến đường 21B, chúng tôi đến xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, trên các cánh đồng, lúa đã cấy xong đang bén rẽ hồi xuân, gặp ông Lê Văn Nhuệ vừa đi thăm mấy sào lúa về, nét mặt tươi vui phấn khởi. Ông cho biết, cái rét ngọt đầu xuân không làm cho cây lúa đã cấy chột đi mà như một luồng khí mới tạm hãm cây lúa sinh trưởng "nóng" trong những ngày vừa qua. Nhờ nguồn nước dồi dào nên đến 28 Tết Nguyên đán, hầu hết các xã của huyện Mỹ Đức đã gieo cấy xong, bà con đã chuyển trọng tâm sang chăm sóc.
Là một trong những địa phương có diện tích lúa thơm hàng hóa nhiều của Hà Nội, Thanh Oai tập trung chỉ đạo các HTX trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán lấy nước đổ ải và làm đất, nhiều xã đã gieo cấy xong trước Tết, số còn lại phấn đấu xong trước ngày 25-2, bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Bên cạnh đó là phát động chiến dịch diệt chuột trong giai đoạn đổ ải, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón bảo đảm chất lượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nông dân. Còn anh Nguyễn Văn Lợi, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn so sánh, các năm trước, bước vào sản xuất vụ xuân là Sóc Sơn gặp nhiều khó khăn, nước tưới thiếu hụt nghiêm trọng. Một mặt do khô hạn kéo dài, mặt khác nhiều hồ đập xuống cấp, không giữ được nước nên không ít diện tích ở vùng cao phải chuyển sang trồng cây màu. Vụ xuân này, Xuân Giang có nhiều thuận lợi, các trạm bơm dã chiến mới lắp đặt phát huy hiệu quả, nguồn nước khá dồi dào, HTX nông nghiệp cung ứng đủ giống, vật tư nông nghiệp nên đến nay 100% diện tích của xã đã được gieo cấy xong, bà con chuyển sang be bờ, đắp đập giữ nước tại ruộng nhằm chủ động nguồn nước tưới dưỡng.
Hiện nay, trên 50% diện tích lúa xuân của Hà Nội đã được gieo cấy xong, số diện tích còn lại chưa cấy nhưng các công tác khác như lấy nước đổ ải, làm đất, chuẩn bị mạ, vật tư phân bón đang được nông dân tích cực triển khai, sẵn sàng khi thời tiết ấm lên, tập trung gieo cấy, bảo đảm 100% diện tích lúa xuân 2010 cấy xong trong tháng 2.
Cũng trong thời gian nghỉ Tết, các công ty thủy lợi bố trí cán bộ, công nhân của các trạm bơm tưới trực 24/24 giờ vận hành bơm nước đổ ải. Trong điều kiện nguồn nước ở một số khu vực khan hiếm, để có đủ nước phục vụ sản xuất, các công ty thủy lợi đã bám sát lịch cấp nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động, tập trung mọi phương tiện, lực lượng lấy nước đổ ải theo phương châm "vùng xa, vùng cao lấy trước, vùng thấp, gần lấy sau". Nhờ có kế hoạch trữ nước trong hệ thống kênh chìm, ao hồ nên các địa phương đã sẵn sàng cấp nước cho việc làm đất, không để xảy ra tình trạng khan hiếm nước. Anh Doãn Văn Kính, Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Đáy cho biết, nếu như mọi năm, quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và một số xã đồi gò, bán sơn địa của huyện Chương Mỹ được coi là điểm nóng, gay gắt nhất về hạn hán của Hà Nội thì năm nay lại nhàn nhất nhờ trạm bơm dã chiến Cao Xuân Dương đã được đầu tư xây dựng thành trạm bơm cố định, công suất 2.700m3/h, nước về đồng ăm ắp, bà con phấn khởi, cán bộ công nhân viên công ty cũng vui và lấy đó làm tự hào.
Cùng với tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa xuân thì khắp các trang trại, hộ chăn nuôi của Hà Nội đã bắt tay vào vụ sản xuất mới với nhiều kỳ vọng mới. Dịp Tết này, những người chăn nuôi gà ta ở khắp các vùng quê thắng đậm, gà khỏe mạnh bán được giá, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Vừa dọn dẹp, khử trùng chuồng trại, bà Đặng Thị Xinh ở thôn Lưu Xá, xã Phú Túc phấn khởi cho biết, năm 2009, bà nuôi trên 100 con gà trống pha chọi, giá bán 100.000 đồng/kg tại nhà, người mua toàn là khách quen lâu năm đặt từ trước Tết, trừ chi phí gia đình bà vẫn còn lãi gần 10 triệu đồng. Với số tiền ấy bà có một cái Tết thịnh soạn và một nguồn vốn kha khá để đầu xuân năm mới nhập đàn.
Cùng với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm hồ hởi vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị nhập đàn mới thì các hộ nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Ứng Hòa, Phú Xuyên... lại đang tấp nập thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết. Sau 3-4 ngày Tết với nhiều món ăn từ thịt, cũng vì thế giá cá lên ngôi. Anh Nguyễn Văn Trường, một hộ nuôi cá ở Trung Tú (Ứng Hòa) phấn khởi cho biết: Dự đoán được thị trường, anh tập trung trữ lại các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, trôi loại to từ 1kg trở lên. Bắt đầu từ mồng 2 Tết đến nay, thương lái ở khắp mọi nơi đổ xô đến lấy hàng, giá cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi phấn khởi nhập đàn mới, giá các loại con giống bắt đầu nhích lên nhưng bà con nông dân vẫn hy vọng năm con Hổ này chăn nuôi của Hà Nội và cả nước được an toàn dịch bệnh, giá cả đầu vào giảm, đầu ra tăng. Và những đồng lúa, đồng rau sẽ được mùa được giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.