Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộn ràng bên thềm xuân mới

Minh Ngọc| 20/01/2012 06:50

(HNM) - Những ngày giáp Tết, bước chân ra phố, lòng thấy lâng lâng. Trên con đường quen thuộc, dòng người tấp nập hơn, ai nấy đều vội vã. Đường phố rực rỡ cờ hoa. Không khí xuân đã tràn về trên khắp phố phường Hà Nội!

Thắm sắc hoa

Đào thắm, mai vàng, quất sai trĩu quả, rộn ràng khắp mọi nẻo đường, góc phố, khoe sắc trong các chợ hoa. Đẹp bậc nhất, thú vị bậc nhất vẫn là chợ hoa Hàng Lược, nằm từ đầu ngã ba Hàng Cót, dọc phố Hàng Lược, tràn sang Hàng Khoai, Hàng Mã, đến phố Hàng Chai, đầu phố Hàng Rươi... Hoa hồng, cúc, đào, quất, thược dược… ùn ùn từ các làng hoa ven đô chuyển đến; hoa mai, hoa hồng vàng, hồng tím, hồng xanh, hoa ly, violet… từ Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh theo những chuyến xe cuối năm ra; hoa tuy líp, hoa lan từ Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc về. Muôn loài hoa khoe sắc, hấp dẫn nên nhiều người Hà Nội dành tình cảm đặc biệt cho chợ hoa này.

Chợ hoa xuân Quảng Bá nhộn nhịp trong những ngày áp Tết. Ảnh: Khánh Huyền

Những năm gần đây, Hàng Lược không còn là chợ hoa độc nhất trên đất Hà Nội mà còn có chợ hoa Quảng Bá. Chợ được chia làm hai phiên rõ rệt. Từ 2h-4h sáng là thời gian của những người trồng hoa đến bán buôn sản phẩm. Từ 4h sáng trở đi, Quảng Bá là phiên chợ bán lẻ hoa xuân, là điểm đến cuối năm của những đôi trai gái hay những người yêu hoa. Người ôm cả bó hoa ly, có người lại chọn giò phong lan hay chậu tuylip thanh tao, tinh tế. Trên đê sông Hồng nhìn xuống, chợ hoa Quảng Bá như một lẵng hoa khổng lồ, đa sắc, ngát hương. Ngoài ra, Hà Nội còn hàng chục chợ hoa lớn nhỏ từ trung tâm thành phố tới các huyện ngoại thành. Chợ nào cũng đẹp, cũng hội tụ đủ các loài hoa. Có điều, giá hoa năm nay đắt hơn mọi năm. Một cây đào thế có giá từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Đào cành rẻ hơn nhưng cũng có giá vài trăm nghìn đồng. Cây quất cảnh không lớn lắm có giá khoảng 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; cây quất to, dáng đẹp giá lên tới vài triệu đồng; hoa hồng trung bình khoảng 10 nghìn đồng/bông; hoa ly dao động 30-40 nghìn đồng/cành…

Sắc hoa xuân Hà Nội càng rực rỡ hơn khi ở trung tâm các quận, huyện, thị xã, ở ngã ba, ngã tư các trục đường lớn, hàng triệu, hàng triệu bông cúc vàng được kết dòng chữ "Mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Thìn" trên thảm xanh của cây lá tượng trưng cho mùa xuân, cho Hà Nội thanh bình khiến ai đi qua cũng trầm trồ, thích thú.

Tưng bừng đón Tết…

Cùng với hoa, người Hà Nội tất bật mua sắm chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy: nào giò chả, hạt dưa, hạt bí; nào bánh, mứt kẹo thơm ngon… Người thì mua ở các cửa hàng ven đường, người vào siêu thị, tạo nên không khí mua sắm náo nhiệt. Siêu thị BigC, Coop.mark những ngày giáp Tết thường xuyên quá tải. Ở các miền quê, phiên chợ Tết rôm rả không kém. Từ hạt muối, mớ rau thơm, lá dong gói bánh chưng, nấm hương, mộc nhĩ đến hương nến, vàng mã, mâm ngũ quả đều được bày bán.

Lâu lắm rồi mới có được thời gian nghỉ dài như Tết Nhâm Thìn, bởi thế nhiều đơn vị, địa phương đã tích cực chuẩn bị một cái Tết tinh thần hấp dẫn để nhân dân "đổi món". Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối phợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp triển lãm ảnh về Hà Nội giai đoạn 1873-1945 giúp người dân hiểu rõ hơn về hình ảnh, con người, cũng như không khí Tết Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu hình ảnh rồng qua các thời kỳ lịch sử... Đồng bào các dân tộc sinh sống tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đang tập dượt các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán. Trong ngôi nhà của người Mông, Sùng Thị Dua, đến từ xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) tuổi vừa đôi mươi e ấp, duyên dáng bên khung cửi se sợi dệt thổ cẩm, rồi trổ tài làm món mèn mén. Cạnh ngôi nhà của người Mông, đồng bào dân tộc Thái trắng đến từ bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) vừa hát Then, gẩy đàn tính, vừa nhảy sạp, múa xòe. Mang cái Tết của đại ngàn Tây Nguyên ra Hà Nội, đồng bào Giẻ Triêng, Bahnar mời khách đến làng nếm thử rượu cần và giới thiệu lễ hội đâm trâu độc đáo của dân tộc mình với niềm tự hào ngời lên trong từng ánh mắt, khuôn mặt, nụ cười. Chị Y Nguch, dân tộc Bahnar (Kon Tum) cho biết: "Mới về làng vài tháng mà mình đã thấy quen rồi. Được trình diễn, giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc mình với người dân Thủ đô dịp Tết Nhâm Thìn, mình thấy vui lắm. Mình mong muốn sẽ được đón nhiều cái Tết ở Thủ đô".

Nụ tầm xuân chỉ xuất hiện vào dịp Tết và được rất nhiều người tìm mua. Ảnh: Khánh Huyền

…và những thú chơi tao nhã

Đi chợ hoa, sắm Tết, chơi Tết là một trong những thú chơi của người Hà Nội, song còn có những thú chơi tao nhã khác mà không phải nơi nào cũng có. Đó là cái thú... đi tìm lại ngày xưa thông qua các món đồ cổ, các sản phẩm truyền thống hay câu đối Tết.

Đã thành lệ, chợ đồ cổ nằm ở phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và kéo dài đến 30 Tết. Không như những phiên chợ khác, khách đến chợ đồ cổ không nhất thiết phải bán, mua mà có thể ngồi ngắm nghía, mân mê hoặc tìm hiểu lai lịch từng món đồ trong sự nhiệt tình, xởi lởi của người bán hàng. Anh Trần Tuấn Khải, đến từ phố Nguyễn Công Hoan (quận Đống Đa) sau khi trải lòng ở chợ đồ cổ nhưng không đủ tiền mua đã sang chợ gốm Bát Tràng (Gia Lâm) để mua lư hương, chim hạc trên men gốm cổ về bày lên ban thờ đón Tết. Anh Khải cho rằng, Tết càng giữ được phong vị truyền thống bao nhiêu, càng hấp dẫn bấy nhiêu.

Cũng xuất phát từ mong muốn giữ lại nét Tết xưa của số đông người Hà Nội, phố "ông đồ" đã hình thành trên đường Văn Miếu, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước thềm xuân sang. "Ông đồ" đến đây cho chữ tới cả chục người, già có, trẻ có, trai có, gái có, vậy mà nhiều lúc "cung" vẫn không đủ "cầu". Sáng 19-1 (26 tháng Chạp), bên nghiên mực Tàu và những tờ giấy đỏ, "cụ nghè ngồi xổm" Cung Khắc Lược nắn nót viết chữ "TÂM" tặng cho chị Lê Anh Thư, trú ở thị xã Sơn Tây. Sau chị Thư, nhà thư pháp nổi tiếng này còn phục vụ cả chục vị khách ngồi đợi xin chữ. Ở các bàn khác, lượng người xin chữ cũng đông không kém.

Nói về nghệ thuật thư pháp ngày Tết, cụ Cung Khắc Lược cho rằng: "Đây là nét đẹp, cũng đồng thời là thú chơi tao nhã của người Hà Nội. Thú chơi này ngày càng có nhiều người "chơi", chứng tỏ văn hóa người Hà Nội ngày càng phong phú. Đó chính là cái gốc để thúc đẩy Thủ đô phát triển về mọi mặt".

Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu đời người đã trải, nhưng cách đón Tết, sắm Tết của người Hà Nội dường như không mấy đổi thay.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng bên thềm xuân mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.