Nội dung đoạn ghi âm được cho là do Chính phủ Nga đăng tải đã cho thấy một phần toan tính của Mỹ về vấn đề Ukraine.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ukraine giữa Nga và Mỹ ngày càng căng thẳng khi Moscow cáo buộc Washington đang xúi giục phe đối lập tại Kiev tiến hành đảo chính trong khi Mỹ chỉ trích Nga cố tình làm rò rỉ băng ghi âm đoạn hội thoại giữa các quan chức ngoại giao Mỹ về việc thành lập một Chính phủ mới tại Kiev.
Theo Reuters, đoạn ghi âm này được thực hiện trước ngày 27/1- thời điểm mà lãnh đạo phe đối lập Arseny Yatsenyuk từ chối đề nghị bổ nhiệm ông trở thành Thủ tướng của Tổng thống Ukriane Viktor Yanukovich.
Người biểu tình Ukraine tuần hành trên đường phố Kiev (Ảnh Reuters) |
Trong đoạn ghi âm này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt đã thống nhất rằng một lãnh đạo phe đối lập khác là cựu võ sỹ đấm bốc Vitaly Klitschko, không nên có vị trí gì trong Chính phủ Ukraine.
"Tôi không nghĩ rằng ông Klitschko nên tham gia vào Chính phủ. Tôi không tin rằng đây là một ý tưởng hay”, bà Nuland nói trong đoạn ghi âm.
Trong đoạn ghi âm trên, bà Nuland cũng thảo luận về việc một đặc sứ của Liên Hợp Quốc ủng hộ việc thành lập một Chính phủ mới tại Ukraine.
“Sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong việc này thật là tuyệt vời và… Liên minh châu Âu (EU) thật khốn nạn”.
Đại sứ Pyatt đã tán thành quan điểm này: "Đúng là như vậy. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm một điều gì đó để đẩy nhanh việc này bởi bà có thể chắc chắn rằng nếu việc này diễn ra thì người Nga sẽ “giật dây” Chính phủ hiện nay của Ukriane nhằm phá hoại nó”.
Về phần mình, Mỹ coi việc Nga tiết lộ đoạn ghi âm trên là “một thủ đoạn thấp hèn của Nga”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng nêu rõ: “Do đoạn ghi âm này được đăng lên trang Twitter bởi Chính phủ Nga, tôi nghĩ rằng Nga có động cơ gì đó trong việc này”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng không hề đặt ra nghi vấn về tính chính xác của đoạn ghi âm trên trong đó cũng có đoạn trao đổi của bà Nuland với ông Pyatt về nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc hợp tác với Mỹ để ủng hộ cho phe đối lập tại Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức EU cũng cho biết họ sẽ không đưa ra bình luận gì về vụ rò rỉ băng ghi âm được đăng trên trang web chống lại những người biểu tình Ukraine trong đó có đoạn một trợ lý cao cấp của Cao ủy EU phụ trách về an ninh và đối ngoại Catherine Ashton than phiền về lời chỉ trích của Mỹ rằng EU đã quá “mềm mỏng” trong cách áp đặt những biện pháp trừng phạt với ông Yanukovich.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich tại Olympic Sochi bắt đầu ngày hôm nay (7/2) để thảo luận về việc chỉ định một Thủ tướng mới cho Ukraine-điều có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ USD viện trợ từ Nga cho nước này.
Ông Putin cũng có thể thúc giục ông Yanukovich phải có các biện pháp trấn áp người biểu tình Ukriane đang buộc Tổng thống nước này phải từ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.