(HNM) - Mấy ngày nay, dư luận xôn xao trước thông tin Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội… kiến nghị đánh thuế thu nhập cá nhân đối với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng.
Lãnh đạo HoREA giải thích, kiến nghị như vậy nhằm mục đích tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (tất nhiên trong đó có thị trường bất động sản), nói cách khác là "chuyển hướng dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh để phát triển đất nước". Và lãnh đạo hiệp hội này cũng cho rằng việc người dân đem tiền gửi ngân hàng, có người gửi cả tỷ đồng, thậm chí chục tỷ đồng, mà không phải đóng đồng thuế nào là "quá phi lý", vì vậy thay vì gửi ngân hàng lấy lãi thì cần huy động nguồn lực làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cá nhân!
Dù lý giải "văn vẻ" như vậy nhưng kiến nghị trên vẫn khiến dư luận bức xúc, thậm chí nhiều người cảm thấy "sốc". Bởi, có một điều đơn giản ai cũng thấy là tiền tiết kiệm của người dân đã được ngân hàng tái đầu tư bằng cách cho các doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất kinh doanh, đâu phải nằm im trong két sắt (của ngân hàng) mà cần đánh thuế thu nhập mới thu hút được nguồn lực? Hơn nữa, việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng sẽ gây khó khăn cho việc huy động vốn của ngân hàng, vì khi đó muốn thu hút được tiền gửi của người dân thì ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, dẫn đến lãi suất cho vay cũng phải tăng theo, rõ là "lợi bất cập hại"! Nếu như kiến nghị này được thông qua thì để đối phó, những người có khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng chỉ cần chia nhỏ thành nhiều khoản gửi thì nỗ lực thu thuế của cơ quan chức năng sẽ trở thành… công cốc! Thế nên cũng dễ hiểu khi có nhiều ý kiến cho rằng, kiến nghị của lãnh đạo HoREA là vô lý, xa rời thực tế, bất khả thi trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đã thẳng thắn phê phán: "Kiến nghị như vậy chứng tỏ không hiểu gì về nguyên tắc kinh tế, cũng như chính sách tài chính, tiền tệ. Muốn khuyến khích gửi tiết kiệm hay không, ngân hàng sẽ dùng các công cụ lãi suất ngắn hạn, dài hạn, điều chỉnh tăng hay giảm, chứ không phải là đánh thuế".
Dư luận còn ngỡ ngàng, khó hiểu ở chỗ, như lãnh đạo hiệp hội kia cho hay thì mục tiêu kiến nghị nhằm "chuyển hướng dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh". Nói dại mồm, nếu "sáng kiến" kia mà trở thành hiện thực thì thay vì phải nộp thuế, những người tích cóp được 500 triệu đồng trở lên sẽ không gửi tiết kiệm nữa mà có thể sẽ đầu tư vào bất động sản hay mở công ty sản xuất kinh doanh, hoặc mua vàng, đô la để tích trữ… Tuy nhiên có phải ai cũng có năng lực đầu tư, kinh doanh đâu? Hơn nữa, làm như thế khác nào đi ngược lại chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng (trong đó có việc gửi tiết kiệm để ngân hàng có vốn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh), đồng thời khuyến khích cho tình trạng "vàng hóa", "đô la hóa" quay trở lại? Ấy là chưa kể tiền tiết kiệm của người dân từ thu nhập đều đã nộp thuế thu nhập cá nhân, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước rồi. Nếu đánh thuế khác nào bắt người dân nộp thuế hai lần, thuế chồng thuế? Ngoài ra, một bộ phận không hề nhỏ người gửi tiết kiệm là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người có thu nhập không cao…, phải tằn tiện, tích cóp tiền bạc gửi tiết kiệm để lo hậu sự, phòng bất trắc… và sống dựa vào nguồn lãi từ số tiền gửi đó. Vì vậy sẽ là rất thiếu tính nhân văn nếu đánh thuế những khoản lãi suất ít ỏi kia.
Chính bởi những lý do trên mà dư luận cho rằng, phải chăng kiến nghị trên cũng xuất phát từ quan điểm "lợi ích nhóm"?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.