(HNM) - Việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội vẫn thiếu sự liên kết hiệu quả, dẫn đến những bất cập trên thị trường…
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 3.800ha sản xuất RAT, tập trung chủ yếu tại các vùng chuyên canh rau như Văn Đức (Gia Lâm), Thanh Đa (Phúc Thọ), Vân Nội (Đông Anh), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì)... Dù diện tích RAT đang có xu hướng tiếp tục tăng nhưng sức tiêu thụ còn rất hạn chế. Để củng cố lòng tin với người tiêu dùng, từ cuối năm 2012, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai gắn nhãn, tem nhận diện cho các vùng RAT và đến năm 2013. Việc này đã được triển khai tại các doanh nghiệp và một số chợ bán buôn. Thế nhưng có một thực tế là cả người bán lẫn người mua RAT vẫn chưa thực sự "mặn mà" với mặt hàng này và người trồng RAT vẫn "bí" đầu ra.
Sản xuất rau sạch tại HTX nông nghiệp Lĩnh Nam. Ảnh: Khánh Nguyên |
Điều tra mới đây của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho thấy, khoảng 73% người bán buôn rau tại các chợ không phân biệt được rau thường với RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật để kiểm tra độ an toàn của rau (bộ quick test kiểm tra nhanh tại chỗ hoặc giấy chứng nhận). Tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%, trong đó có 60% không quan tâm đến việc rau có an toàn hay không. Đặc biệt, điều tra của IPSARD còn cho thấy có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp RAT. Lý do RAT có giá bán cao, người mua chưa lựa chọn nhiều, điều kiện kinh doanh lại gặp nhiều khó khăn về chi phí thuê mặt bằng, đầu ra không ổn định... Hiện chưa có chợ bán buôn nào ở Hà Nội có các khu vực riêng cho RAT.
Ông Trần Công Thắng, chuyên gia của IPSARD cho biết, theo điều tra tại một số chợ, ban quản lý các chợ như Long Biên, Hôm - Đức Viên, Ngã Tư Sở…, lượng RAT cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%. Trong khi đó, theo Ban Quản lý chợ rau ở Vân Nội, Đông Anh - chợ đầu mối cung cấp nhiều RAT nhất thành phố - Ban Quản lý chợ cũng không thể xác định được tỷ lệ RAT là bao nhiêu do lượng lưu thông lớn, chưa quản lý được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều chợ bán buôn tại Hà Nội.
Hiện nay, quy mô sản xuất RAT của Hà Nội còn nhỏ lẻ, chỉ đạt trung bình 720m2/hộ, trong khi chi phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP khá cao, đầu ra lại không ổn định khiến nông dân e ngại khi muốn chuyển đổi sang RAT. Đặc biệt, việc gắn tem nhận diện cho RAT sau quá trình dài triển khai vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Tại hội thảo mới đây do IPSARD tổ chức về việc quản lý RAT, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là chính sách hỗ trợ người sản xuất và kinh doanh RAT còn thấp, nhận thức của một số bộ phận nông dân và người tiêu dùng về VSATTP còn hạn chế dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thụ RAT.
Bà Lê Thị Hồng - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, mạng lưới tiêu thụ RAT ở Hà Nội phát triển chậm, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế nên phần lớn sản phẩm sản xuất ra vẫn do người nông dân tự tiêu thụ. Chưa kể khoảng 40% lượng rau tiêu thụ tại Hà Nội hiện nay là từ các tỉnh khác đưa về nhưng việc kiểm soát chất lượng vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết bền chặt từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm RAT là yêu cầu cần thiết để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Trong chuỗi sản xuất, cung ứng RAT phải xác định rõ trách nhiệm cũng như lợi ích giữa người sản xuất, phân phối và các chợ bán buôn, bảo đảm các bên cùng có lợi. Hơn nữa, cần siết chặt kiểm soát đối với mặt hàng rau không có nguồn gốc xuất xứ tại các chợ đầu mối.
Để tăng cường chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất RAT, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ vật tư, kinh phí cho doanh nghiệp và nông dân tham gia mô hình sản xuất, kinh doanh RAT. Ngành nông nghiệp Thủ đô cũng đang thực hiện chương trình phối hợp trong sản xuất và kiểm soát chất lượng nông sản, trong đó có RAT, với 16 tỉnh phía Bắc nhằm giám sát tốt hơn chất lượng mặt hàng rau được đưa vào thị trường Hà Nội. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.