Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức phê chuẩn luật theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Điều này có nghĩa chỉ còn Hungary là thành viên duy nhất trong liên minh quân sự chưa "bật đèn xanh" cho Stockholm. Đây cũng là rào cản cuối cùng để Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine hai năm trước đã khiến Thụy Điển và Phần Lan thay đổi chính sách an ninh lâu nay và hai nước này đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5-2022. Ở thời điểm đó, việc gia nhập NATO của Stockholm và Helsinki dự kiến sẽ là một tiến trình nhanh chóng, nhờ có quân đội tiên tiến, khả năng tương tác cao với các lực lượng liên minh và tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, hai nước Bắc Âu này đã phải đối mặt với không ít trở ngại. Trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự, 28 quốc gia đã phê chuẩn đơn đăng ký gần như ngay sau đó, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary do dự. Để việc gia nhập được hoàn tất, tất cả các quốc gia phải chấp thuận tư cách thành viên. Tháng 4-2023, Phần Lan chính thức được kết nạp vào NATO, nhưng việc gia nhập của Thụy Điển vẫn chưa hoàn tất.
Hôm 23-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mới thông qua tư cách thành viên của quốc gia này và Tổng thống Tayyip Erdogan đã ký phê chuẩn ngày 25-1, trong khi Quốc hội Hungary vẫn chưa chấp thuận và các nhà phân tích nhận định, sự chậm trễ có thể kéo dài.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ lâu khẳng định, đất nước của ông sẽ không phải là thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn yêu cầu gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển. Song sự chấp thuận tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đảo ngược những bảo đảm đó. Tổng thống Erdogan từng trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên của quốc gia Bắc Âu này và cáo buộc rằng, Stockholm quá mềm mỏng với các chiến binh người Kurd cũng như các nhóm khủng bố mà đất nước ông coi là mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, không giống như Ankara đưa ra một loạt yêu cầu làm điều kiện tiên quyết để hỗ trợ nỗ lực gia nhập liên minh của Stockholm, Budapest không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào.
Các đảng đối lập ở Hungary, vốn ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, đã thực hiện nhiều nỗ lực trong năm qua nhằm sắp xếp một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này, nhưng đã nhiều lần bị trì hoãn. Các nhà lập pháp thuộc đảng Fidesz, đảng chiếm đa số trong Quốc hội, đã từ chối đưa ra sự ủng hộ, đồng thời lập luận rằng, sự chậm trễ này là do Thụy Điển chỉ trích tình trạng dân chủ của Hungary.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dù Hungary chưa thể hiện điều gì công khai ngoài sự bất mãn mơ hồ với “thái độ” của Thụy Điển, thì máy bay chiến đấu cũng có thể là một “quân bài” đàm phán, khi Budapest thuê tiêm kích JAS Gripen của Stockholm, một hợp đồng sắp được gia hạn và có thể mở rộng.
Thủ tướng Hungary đã tuyên bố sẽ đưa vấn đề này đi đến hồi kết trong thời gian sớm nhất. Điều này sẽ không đơn giản như vậy, vì phiên họp tiếp theo của Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2. Đối mặt với áp lực chính trị ngày càng gia tăng, ngày 24-1, ông Orban tái khẳng định ủng hộ kết nạp Thụy Điển làm thành viên của NATO.
Nhà lãnh đạo Hungary đưa ra thông điệp này trên mạng xã hội X sau khi điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông Orban nhấn mạnh, sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua việc NATO kết nạp Thụy Điển và phê chuẩn ngay trong lần đầu xem xét.
Phản ứng trước động thái của Hungary, ngày 25-1, Chính phủ Thụy Điển cho biết, Thủ tướng nước này Ulf Kristersson đã đề nghị gặp người đồng cấp Viktor Orban tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới, với hy vọng xóa bỏ trở ngại còn lại đối với nỗ lực của Stockholm gia nhập NATO. Nhà lãnh đạo Thụy Điển cũng nhận lời mời của Thủ tướng Orban đến thăm Budapest vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên để thảo luận về việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự.
Các nhà phân tích nhận định, việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan có giá trị chiến lược cao đối với NATO. Vị trí địa lý của hai nước củng cố đáng kể vị thế của liên minh ở phía Bắc, do Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của biển Baltic. Việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO. Hai quốc gia Bắc Âu cũng mang lại năng lực quân sự tiên tiến cho liên minh. Do đó, 31 thành viên đang kỳ vọng Thụy Điển là đồng minh thứ 32 càng sớm càng tốt, trong bối cảnh lo ngại đang gia tăng.
Việc không thể tiến tới mở rộng liên minh sẽ làm suy yếu NATO về mặt chính trị vào thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu, có lợi cho Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.