Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rà soát thủ tục hành chính: Nhiều quy định thừa

Hiền Chi| 13/04/2010 07:03

(HNM) - Trong giai đoạn 2 Đề án 30, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã của TP Hà Nội đã tích cực vào cuộc, nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính (TTHC) góp phần vào thành công chung. Đặc biệt, qua rà soát, các đơn vị đã phát hiện, kiến nghị đơn giản nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo vẫn tồn tại lâu nay, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN) và cả cơ quan quản lý.

Phát hiện nhiều thủ tục thừa

Trong rà soát, đơn giản hóa TTHC, các đơn vị phải nêu rõ nội dung đơn giản hóa, lý do đơn giản hóa và kiến nghị thực thi. Chính vì vậy, cùng với sự trợ giúp của Tổ công tác 30 của TP (TCT 30), nhiều đơn vị đã thận trọng rà soát từng bước và kết quả kiến nghị đơn giản hóa đưa ra khá thuyết phục. Trong thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng (cấp mới), quận Ba Đình cho rằng, nên bỏ GCN sức khỏe của nhân viên (vì giấy tờ này thực tế chỉ mang tính hình thức, không cần thiết đưa vào hồ sơ) và nên bỏ xác nhận của UBND phường, xã trong đơn đề nghị cấp GCN đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng (do việc xác nhận vào đơn không có tác dụng trong thực hiện TTHC, hơn nữa việc yêu cầu xác nhận vào đơn gây phiền hà cho công dân). Việc rà soát còn cho thấy, không ít TTHC đang được thực hiện không đúng với văn bản pháp luật hiện hành như việc cấp đổi GCN quyền sở hữu nhà ở vẫn tồn tại, trong khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ xác lập quyền sử dụng đất (SDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cùng một GCN và không thực hiện việc cấp đổi.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Phạm Đình Hổ. Ảnh: Linh Tâm

Sở Kế hoạch - Đầu tư thì khẳng định, có tới 14 TTHC không cần phải thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) nhưng vẫn đang được duy trì; đồng thời có nhiều thủ tục có yêu cầu điều kiện: "Khi nhận kết quả giải quyết TTHC, người đại diện theo pháp luật của DN phải đến cơ quan ĐKKD ký trực tiếp vào GCN ĐKKD". Trong khi đó, Luật DN không quy định người đại diện pháp luật phải ký vào GCN ĐKKD. Việc rà soát cũng giúp phát hiện ra TTHC đang ở "sai vị trí" như thủ tục cấp giấy phép xây dựng trạm BTS. Sở Xây dựng đề nghị bãi bỏ thủ tục này bởi hiện nay đã thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện, thị xã, không còn thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Thậm chí có thủ tục chỉ tồn tại mà gần như không được thực hiện như thủ tục hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ ngày

31-12-1944 về trước khi mua nhà đang ở thuê thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP. Theo Sở Xây dựng, năm 2009 chỉ nhận 2 hồ sơ thuộc lĩnh vực này. Tương tự, thủ tục hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước ngày 31-12-1944 cải thiện nhà ở (hỗ trợ 50 triệu đồng theo Quyết định 20/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng không nên đưa vào TTHC bởi đến nay, việc hỗ trợ cơ bản đã xong, năm 2008-2009 không có đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Rút gọn quy trình và thời gian

Các kiến nghị của các đơn vị sẽ làm giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục. Cụ thể, các thủ tục về thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục… đã được quận Ba Đình kiến nghị rút ngắn thời gian từ 45 ngày xuống còn 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Lãnh đạo quận khẳng định, với sự tích cực của cán bộ thụ lý hồ sơ, việc rút ngắn như vậy hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong việc thẩm định chỉ giới đường đỏ, lâu nay, tổ chức, cá nhân phải nộp tới 8 bộ hồ sơ cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhưng nay sở này cho rằng chỉ cần nộp 3 bộ. Tương tự, trong thủ tục chấp thuận phương án kiến trúc sơ bộ, thành phần hồ sơ sẽ giảm số lượng bản vẽ phương án kiến trúc sơ bộ từ 3 bộ xuống còn 2 bộ để giảm bớt tốn kém cho tổ chức, cá nhân vì chỉ cần 1 bản lưu tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc và 1 bản trả cho tổ chức, cá nhân.

Từ việc rà soát, quận Hoàng Mai đã phát hiện một số thủ tục về quyền SDĐ chưa quy định rõ về thành phần, số lượng hồ sơ, quận đề nghị cần quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người SDĐ khi thực hiện thủ tục này, tránh việc áp dụng tùy tiện. Ngoài việc tiếp nhận tại trụ sở UBND huyện, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ qua mạng với một số thủ tục gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép việc khai thác nước mặt, xả nước thải, khai thác nước ngầm...

Hiện nay các phương án kiến nghị đơn giản hóa của các đơn vị đã được gửi lên Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Nếu kiến nghị được chấp thuận và đưa vào áp dụng, sẽ có một số lượng lớn TTHC trở nên đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian như trước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát thủ tục hành chính: Nhiều quy định thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.