(HNM) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng trên địa bàn, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng, nhất là trong bối cảnh có dịch Covid-19.
Kết quả đánh giá là căn cứ để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành.
Mức lương tối thiểu vùng được chia theo 4 vùng, áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã... (không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể...).
Cụ thể, vùng I là các thành phố, quận, huyện, thị xã có nền kinh tế phát triển, đang áp dụng mức lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng/người/tháng. Vùng II là các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã có nền kinh tế tương đối phát triển, đang áp dụng mức lương tối thiểu là 3,92 triệu đồng/người/tháng. Vùng III là các địa phương có nền kinh tế ở mức khá, đang áp dụng mức lương tối thiểu 3,43 triệu đồng/người/tháng. Vùng IV là những địa phương có nền kinh tế chưa phát triển, đang áp dụng mức lương tối thiểu 3,07 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng thống nhất quan điểm chưa đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động. Trước đó, mức lương tối thiểu vùng được đề xuất điều chỉnh tăng hằng năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.