(HNMO) - Mô hình thí điểm hai trung tâm này đi vào hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 11-2 và là một phần của Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Người dân ngồi tại nhà chọn bệnh viện và bác sĩ
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm Điều hành y tế thông minh được đặt tại Sở Y tế thành phố, có chức năng điều hành các hoạt động của Sở với các đơn vị trực thuộc, bao gồm cả việc quản lý, chuyên môn, cơ sở vật chất, điều phối và dự báo... thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Trước mắt, toàn bộ thông tin về các ca bệnh có liên quan đến chủng mới của vi rút corona (nCoV) đều được các bệnh viện, Trung tâm Kiếm soát bệnh tật thành phố cập nhật liên tục, đưa lên hệ thống. Từ đó, Sở Y tế nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo kiểm soát, điều trị các ca bệnh và thực hiện các biện pháp y tế dự phòng cần thiết khác.
Trong ngày ra mắt, Trung tâm Điều hành y tế thông minh thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối với 48 camera tại các bệnh viện toàn thành phố. Thời gian tới, số lượng camera sẽ được tăng cao, bảo đảm phủ hết các khoa, phòng của từng bệnh viện.
Với khả năng công nghệ hiện tại, Trung tâm Điều hành y tế thông minh có thể kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, thực hiện tư vấn ca bệnh, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại lễ ra mắt trung tâm ngày 11-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là sự kiện rất ý nghĩa, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của hơn 10 triệu dân thành phố, 5 triệu dân các tỉnh, thành khác và một lượng lớn bệnh nhân nước ngoài đến khám, chữa bệnh.
Học dễ dàng hơn, mọi lúc, mọi nơi
Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý.
Trung tâm gồm một số hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; Quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; Quản lý lịch làm việc; Tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; Hệ thống giám sát qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Cập nhật các thông tin mới nhất về ngành, tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập…
Giai đoạn triển khai thí điểm sẽ được thực hiện tại quận 1, quận 12 và 5 trường THPT gồm 2 trường THPT chuyên (Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa) và 3 trường theo mô hình tiên tiến hội nhập (Nguyễn Du, Nguyễn Hiền và Lê Quý Đôn).
Hiện đã có 1/3 số trường học trên địa bàn thành phố gắn camera quan sát. Thời gian tới, thành phố phấn đấu phủ kín camera tại 100% đơn vị trường học và cơ sở giáo dục. Tất cả được tích hợp về Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, với Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, người học sẽ học dễ dàng hơn, học mọi lúc, mọi nơi, hiệu quả hơn; đội ngũ giáo viên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ; quản lý hệ thống ngành thông minh hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.