(HNM) - Tháng đầu tiên của năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “lập đỉnh” tăng tới 6,43% so với cùng kỳ năm ngoái, là CPI tháng 1 cao nhất trong 7 năm gần đây. Trong đó, giá thịt lợn cao hơn 8,29% so với tháng 12-2019 chính là nguyên nhân quan trọng khiến CPI của tháng 1-2020 tăng mạnh.
Các nguyên nhân quan trọng khác cũng được chỉ ra, như: Trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, các loại thực phẩm, dịch vụ đều tăng giá, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút corona (nCoV) gây ra... Tuy việc này đã được nhận định là “bất thường” nhưng vẫn “nằm trong kịch bản điều hành”.
Trong các tháng tiếp theo của năm 2020, các nguyên nhân như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là dịch bệnh do nCoV đang diễn biến ngày càng phức tạp vẫn có thể tác động tới CPI. Dịch bệnh nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, đặc biệt tác động tới các ngành hàng và nhu cầu tiêu thụ nông sản. Ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là dịch vụ ăn uống, du lịch. Đáng chú ý, yếu tố thuận lợi là mặt hàng xăng dầu đang có xu hướng giảm giá do nhu cầu sử dụng mặt hàng này giảm...
Thực tế trên cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% vẫn có thể thực hiện được, dù có khó khăn hơn năm 2019. Theo đó, yếu tố có tính quyết định là kéo giảm được giá thịt lợn và kiểm soát được dịch bệnh do nCoV. Nếu hai đầu việc này thực hiện được trong quý I thì CPI cả năm được dự đoán sẽ là 3,96%, còn nếu phải dịch chuyển sang quý II thì CPI sẽ tăng đến 4,86%, theo dự báo của Tổng cục Thống kê. Do vậy, để giữ được lạm phát cả năm 2020 bình quân dưới 4%, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần phải thực hiện một cách đồng bộ, thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Theo đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục có các chính sách bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có thể nhập khẩu nếu cần để tránh tăng giá đột biến, đặc biệt là với mặt hàng thịt lợn… Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trên cơ sở đó bình ổn giá bằng các công cụ thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng. Khi kinh tế tăng trưởng trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố cho sự vững chắc của kinh tế vĩ mô.
Về phần mình, các địa phương cũng bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả, có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng để có kịp thời bình ổn thị trường, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu. Không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I và thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá, nhất là với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống…
Đối với các doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất, chủ động nguồn hàng, tích cực tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới gắn với xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt; tận dụng sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, nhất là từ ngành Ngân hàng, để bổ sung nguồn vốn, củng cố sản xuất, kinh doanh khi bị dịch bệnh tác động.
Đặc biệt, mỗi hộ gia đình và mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh do nCoV, trở thành những người tiêu dùng thông minh - không tích trữ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu khi không cần thiết, có ý thức chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, phát huy truyền thống “tương thân tương ái" - cũng sẽ tạo nên tác động lớn giữ cho chỉ số CPI ổn định, giúp Nhà nước kiểm soát tốt lạm phát...
Chính phủ đã quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, giữ vững các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; từng cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng thuận, không hoang mang cũng không chủ quan, kiên trì và nỗ lực, chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.