Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

Thống Nhất| 21/08/2022 06:10

(HNM) - Hơn 2,2 triệu học sinh Thủ đô đang háo hức chờ đón lễ khai giảng năm học 2022-2023, năm học dự báo có nhiều thách thức sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vững tin, đồng lòng khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới là thông điệp được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chuyển tải trong cuộc trao đổi với Báo Hànộimới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Viết Thành

Vượt khó, giữ ổn định chất lượng

- Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch thời gian năm học, bảo đảm chất lượng. Đồng chí có thể điểm lại những dấu ấn về kết quả của toàn ngành?

- Với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, sự ủng hộ của nhân dân và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khắc phục khó khăn, giữ ổn định chất lượng. Dù việc dạy - học trực tuyến chiếm phần lớn thời gian của năm học, song kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh toàn thành phố vẫn được giữ vững với tỷ lệ lên tới 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%). Điểm trung bình một số môn thi như: Lịch sử, hóa học, vật lý… được cải thiện. Toàn thành phố có 104 trường học có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% (cao hơn năm trước 11 đơn vị). Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với 125 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế.

- Việc hỗ trợ học sinh học tập trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp được triển khai ra sao, thưa đồng chí?

- Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và quan tâm, chăm lo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khó khăn. Hà Nội là một trong các địa phương đi đầu trong việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã trao hơn 10.000 thiết bị học tập trị giá hơn 30 tỷ đồng, giúp học sinh không bị gián đoạn chương trình học khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, học sinh huyện Quốc Oai và huyện Chương Mỹ được Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 1.284 máy tính bảng. 

- Không chỉ duy trì chất lượng, Hà Nội còn được đánh giá là địa phương tích cực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học. đồng chí có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?

- Năm học 2021-2022, toàn thành phố đã xây dựng, thành lập mới 51 trường học. Trong đó, khối các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được thành phố xây dựng, thành lập mới 6 trường; các quận, huyện, thị xã xây dựng, thành lập mới 45 trường học. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã còn dành hơn 4.800 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 560 trường học... Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được tập trung thực hiện, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Tính đến tháng 6-2022, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 79%. Ngoài ra, Hà Nội còn có 22 trường chất lượng cao…

- Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 được triển khai thế nào, thưa đồng chí?

- Ở cấp tiểu học, việc dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 có nhiều thuận lợi do đây là năm thứ hai thực hiện, giáo viên có sự chuẩn bị kỹ. Để hỗ trợ cho việc dạy học, Hà Nội đã xây dựng và vận hành kho học liệu điện tử.

Đối với cấp trung học cơ sở, dù là năm đầu tiên, song qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các nhà trường, chương trình và sách giáo khoa được thiết kế khá thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Phải giảm khoảng cách về chất lượng

- Chỉ còn hai tuần nữa là tới ngày khai giảng năm học 2022-2023, xin đồng chí cho biết định hướng của ngành trong năm học mới?

- Phương hướng chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là tăng cường kỷ cương, nền nếp; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó, giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trên cơ sở phương hướng chung, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; bảo đảm an toàn trường học; tích cực phòng, chống dịch Covid-19; triển khai chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2022 (công nhận mới 70 trường); xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số...

- Đồng chí vừa nhắc đến việc chuyển đổi số. Vậy việc này được triển khai thế nào ở năm học tới?

- Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị tiên phong của thành phố trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số với việc vừa khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục của toàn thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng mô hình trường học điện tử; phát động giáo viên toàn ngành xây dựng nguồn học liệu số... Sở cũng chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các quy định mới và yêu cầu hội nhập quốc tế; từng bước tăng dần lượng hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực giáo dục cho người dân...

- Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương quan tâm hơn nữa đến giáo dục miền núi. Nội dung này được thành phố triển khai ra sao, thưa đồng chí?

- Thành phố Hà Nội có địa bàn rộng, quy mô giáo dục lớn với 2.840 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, chiếm 1/10 số lượng học sinh của cả nước. Những năm gần đây, việc tăng cường đầu tư, ưu tiên cho những trường ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, vùng nông thôn, vùng miền núi đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở khu vực ngoại thành có chuyển biến tích cực; nhiều trường trung học phổ thông có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, có học sinh thủ khoa toàn quốc ở khối xét tuyển đại học...

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đẩy mạnh phong trào hỗ trợ vùng khó khăn; tiếp tục triển khai các giải pháp để các trường được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo... qua đó, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục đại trà giữa các địa phương trên địa bàn thành phố.

- Vấn đề được phụ huynh quan tâm là chính sách học phí có gì thay đổi trong năm học mới không, thưa đồng chí?

- Chúng tôi tiếp tục tham mưu thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đồng thời, kiến nghị xây dựng mức học phí phù hợp với điều kiện thực tế, duy trì chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, diện chính sách... giúp học sinh yên tâm học tập.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.