(HNM) - Trong khi nhiều vi phạm pháp luật tại các hồ thủy lợi xảy ra từ trước chưa xử lý dứt điểm, thì ở một số địa phương của Hà Nội tiếp tục phát sinh vi phạm có tính chất nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn vùng hạ du, khai thác hiệu quả công năng hồ thủy lợi, chính quyền các cấp, đặc biệt là cơ sở, cần quyết liệt hơn trong ngăn chặn, xử lý vi phạm...
Thêm nguy cơ đe dọa an toàn đập
Hồ thủy lợi Lập Thành có dung tích trữ 511.000m3 làm nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, trữ nước tưới cho 40ha sản xuất nông nghiệp của xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai). Tuy nhiên, kiểm tra công trình này trong ngày 7-9, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện vùng phụ cận có 2 vị trí bị người dân chiếm dụng xây nhà bê tông, cốt thép, một vị trí đã xây nhà tạm làm hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống; mỗi vị trí vi phạm rộng 90-100m2. Bên cạnh đó, vùng bảo vệ hồ Lập Thành còn có vị trí bị đổ đất san nền với diện tích 120m2...
Không riêng hồ Lập Thành, 15 hồ thủy lợi khác do Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích quản lý đã và đang bị xâm hại. Thống kê của công ty này cho thấy, các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây để xảy ra và chưa xử lý dứt điểm 86 vụ với tổng diện tích vi phạm 168.871m2; trong đó có 50 vụ xây dựng công trình với diện tích 101.518m2, 11 vụ lấn chiếm, sử dụng đất với diện tích 13.544m2, 1 vụ hủy hoại, ngăn lấp hồ với diện tích 3.600m2...
Thống kê của các công ty thủy lợi: Sông Đáy và Hà Nội, tính đến ngày 30-8, huyện Sóc Sơn còn tồn tại 60 vụ vi phạm ở các hồ: Đồng Đò, Ban Tiện, Đồng Quan, Kèo Cà, Cầu Bãi. Huyện Mỹ Đức chưa xử lý dứt điểm 32 vụ vi phạm ở các hồ: Quan Sơn, Vĩnh An, Tuy Lai. Huyện Chương Mỹ chưa xử lý dứt điểm 23 vụ tại các hồ: Miễu, Văn Sơn, Đồng Sương.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý công trình (Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Nguyễn Văn Đức, những vi phạm nêu trên không chỉ làm giảm dung tích trữ nước mà còn đe dọa an toàn đập, gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn cư dân, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du của các địa phương...
Khắc phục bất cập, xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện các doanh nghiệp thủy lợi thành phố cho rằng, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện vi phạm, đơn vị chỉ có thể lập biên bản, thiết lập hồ sơ, kiến nghị chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, một số địa phương chưa phối hợp và quyết liệt trong ngăn chặn và xử lý vi phạm...
“Để bảo vệ, chống lấn chiếm công trình, công ty đã đổ trụ bê tông và lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng ô tô vận tải đi trên mặt đập các hồ: Đồng Đò, Ban Tiện, Cầu Bãi, Hàm Lợn, nhưng lợi dụng đêm tối, thời điểm vắng người, kẻ gian đã đập phá nhiều trụ bê tông và biển báo...”, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Lưu Thành Quang thông tin.
Trong khi đó, giải thích về việc chậm xử lý vi phạm, đại diện các huyện: Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức... cho rằng, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn chưa được cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình, gây khó khăn trong việc xác định phạm vi và diện tích vi phạm. Hơn nữa, nhiều vụ vi phạm chưa được cơ quan quản lý hồ thiết lập hồ sơ kịp thời, hoặc thiếu căn cứ chứng minh về hành vi vi phạm để các cấp chính quyền làm căn cứ thực hiện các bước xử lý vi phạm tiếp theo... Đặc biệt, các hồ: Quan Sơn, Vĩnh An, Tuy Lai có 2 đơn vị quản lý dẫn đến chồng chéo trách nhiệm quản lý công trình...
Khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố cho triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ hồ đập; tăng cường tuyên truyền pháp luật thủy lợi...
Về trách nhiệm của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn khẳng định, huyện sẽ xử lý nghiêm các hành vi xâm hại hồ thủy lợi. Hiện tại, xã Đông Xuân đã lập biên bản, đình chỉ thi công công trình trong phạm vi bảo vệ hồ Lập Thành. Huyện đã giao cơ quan chuyên môn rà soát nguồn gốc đất đai các công trình vi phạm, thiết lập hồ sơ, xử lý đúng quy định pháp luật đất đai, xây dựng, thủy lợi trong thời gian tới.
Còn Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay hoạt động vận chuyển nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất gạch trong phạm vi bảo vệ hồ Quan Sơn; các xã: Thượng Lâm, Tuy Lai, Hồng Sơn, Hợp Tiến phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức rà soát, thống kê, phân loại, củng cố hồ sơ, lập kế hoạch xử lý dứt điểm các vi phạm hồ thủy lợi tồn đọng...
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội - Đào Quang Khải cho biết: Để bảo vệ hồ thủy lợi trên địa bàn, Chi cục đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất thành phố chỉ đạo khắc phục bất cập, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật thủy lợi trên địa bàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.