Sau khi căn cứ quân sự ở Jordan bị tấn công hồi tuần trước khiến binh lính Mỹ thương vong, nhiều người dự đoán chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hành động đáp trả.
Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, phía Mỹ thống kê đã có gần 170 vụ quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và vùng biển Đỏ bị tấn công. Những bên tấn công Mỹ là lực lượng dân quân ở Iraq và Syria, phe phiến quân người Houthis ở Yemen. Những lực lượng này bị Mỹ coi là cánh tay kéo dài của Iran trong cuộc đối địch ủy nhiệm giữa Iran và Mỹ, được Iran hậu thuẫn, thậm chí cả chỉ đạo về chính trị, quân sự và tài chính. Mỹ và Iran thâm thù nhau đã từ vài thập kỷ nay. Israel là đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ.
Trong khi đó, Iran và Israel lại thù địch nhau đến mức không đội trời chung. Vì thế, không khó hiểu khi Mỹ trả đũa cho việc bị tấn công ở Jordan chủ yếu nhằm vào Iran. Trước đấy, Mỹ đã lần đầu tiên không kích phe phiến quân người Houthis ở bên trong lãnh thổ Yemen. Nhưng đấy là hành động quân sự chủ động của Mỹ chứ không buộc phải hành động như hiện tại.
Ông Joe Biden không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả quyết liệt bằng quân sự và phải làm cho bên ngoài cảm nhận thấy là Mỹ trước hết nhằm vào Iran. Chỉ như thế, ông Joe Biden mới giải quyết phần nào yêu cầu về đối nội và tạo lợi thế cho cuộc vận động tranh cử tổng thống sắp tới. Không như các cuộc tấn công của Mỹ vào phe phiến quân người Houthis ở bên trong lãnh thổ Yemen, ông Joe Biden phải hành động quân sự ở Iraq và Syria để gỡ gạc thể diện cho nước Mỹ, để biểu lộ sức mạnh quân sự của Mỹ, để chứng minh Mỹ có đủ năng lực bảo vệ quân đội và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Không kể, ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, Mỹ hiện có nhiều căn cứ quân sự. Quân đội Mỹ vẫn còn đồn trú tại Iraq và Syria. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải phản đòn quyết liệt chứng tỏ Mỹ muốn vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự trực tiếp ở khắp khu vực này. Đồng thời, đó là cách trấn an các đồng minh và răn đe địch thủ, trước hết là Iran và đồng minh của Iran, cũng như lực lượng thân Iran.
Những cuộc không kích vừa rồi của Mỹ vào Iraq, Syria, Yemen được coi là dữ dội, quyết liệt và quy mô nhất kể từ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq hồi năm 2003 đến nay. Mức độ phản đòn như thế trên danh nghĩa rất mạnh mẽ. Nhưng về thực chất và trên thực tế thì lại thấy Mỹ chủ ý giữ mức độ quyết liệt của các hành động quân sự nói trên trong giới hạn. Mỹ dành cho Iran và lực lượng thân Iran ở Iraq, Syria có đủ thời gian (6 ngày) sau cuộc tấn công lính Mỹ ở Jordan để ứng phó sao cho bị tổn hại ít nhất bởi những cuộc không kích của Mỹ.
Mỹ quả quyết nhiều lần là không chủ định gây chiến tranh với Iran, không tấn công vào bên trong lãnh thổ Iran và cũng không nhằm tiêu diệt những nhân vật chỉ huy cấp cao của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran ở Iraq và Syria. Mỹ ý thức được rằng mọi cuộc tấn công nhằm vào Mỹ trong thời gian vừa qua ở khu vực này đều liên quan đến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Nếu Mỹ để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với Iran hay với lực lượng vũ trang Hồi giáo thù địch ở khu vực thì Mỹ rất khó thoát khỏi sa lầy về nhiều phương diện và cuộc chiến tranh giữa Hamas với Israel càng thêm dai dẳng.
Như thế, bất lợi và rủi ro sẽ càng tăng đối với Mỹ. Cho nên, Mỹ không thể can dự quân sự quyết liệt không giới hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.