(HNM) - Năm 2018, TP Hà Nội phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 320 xã; có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 8 huyện...
Vùng trồng rau an toàn trên địa bàn huyện Đan Phượng. |
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Năm qua, hầu hết các xã đăng ký về đích nông thôn mới đều gặp khó khăn, bởi sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai, giá thịt lợn giảm mạnh. Nhưng với quyết tâm cao của toàn thành phố, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá với nhiều bứt phá ấn tượng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho hay, đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" đặt mục tiêu mỗi địa phương có ít nhất từ 1 đến 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng đến nay, toàn thành phố đã có 105 mô hình. Ngoài ra, còn có 71 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp... vượt nhiều so với chỉ tiêu đề ra.
Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có thêm huyện Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 4 huyện. Đến hết năm 2016, Hà Nội có 255/386 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì đến hết năm 2017, Tổ công tác của thành phố đã thẩm định tại 45 xã, kết quả có 42 xã đủ điều kiện trình thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn. Các huyện, xã đã được công nhận trước đó đều có kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới và thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, về nguồn vốn, năm 2017 tổng kinh phí huy động cho Chương trình 02 của Thành ủy là 8.952 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 250 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP Hà Nội cho hộ gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. 12 quận nội thành hỗ trợ các huyện hơn 228 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới...
Trao đổi về tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: Huyện đang duy trì các vùng trồng rau xanh 400ha, hoa 200ha, cây ăn quả 700ha và phối hợp với các nhà khoa học tổ chức nhiều buổi tọa đàm hướng dẫn sản xuất; thu hút doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, bài bản vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Nói về dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho hay, năm qua thành phố giao chỉ tiêu cho huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng nhờ nỗ lực, huyện đã có 4 xã hoàn thành.
Nỗ lực vượt khó
Xuất phát từ thực tiễn, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy mong thành phố tiếp tục chỉ đạo các quận nội thành hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới; các sở, ngành liên quan giúp đỡ, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần kiến nghị, thành phố sớm đầu tư các trạm xử lý nước thải theo quy hoạch nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại các sông chảy qua địa bàn huyện như: Cầu Bây, Thiên Đức...
Ngoài ra, nhiều địa phương kiến nghị thành phố sớm có hướng dẫn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng mức hỗ trợ cho các xã còn nhiều khó khăn khi đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới...
Trước kiến nghị của các địa phương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: Năm 2018, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Chương trình 02 đạt kết quả cao hơn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018 tập trung phát triển kinh tế, coi đây là mục tiêu hàng đầu, tập trung xây dựng các điển hình kinh tế tập thể, nâng cao đời sống cho nhân dân; quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh...
Mới đây, tại cuộc họp giao ban quý IV-2017 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, những xã có điều kiện tốt đều đã “về đích”, những xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới càng về sau càng khó khăn. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá, chấm điểm nông thôn mới đòi hỏi cao hơn sẽ là thách thức không nhỏ cho các địa phương hoàn thành mục tiêu. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để chương trình đạt kết quả cao. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí không cần nhiều kinh phí như: Văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng... phải quan tâm thực hiện hiệu quả.
Khi các địa phương đã quyết tâm, việc triển khai nhiệm vụ chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.