(HNM) - Sau hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5-2017, chủ đề của năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho doanh nghiệp” và chủ trương này đã phát huy hiệu quả trên thực tế...
Tăng chi đầu tư hợp lý, giảm chi thường xuyên
Trên đà cải cách mạnh mẽ các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, tiếp tục đề ra các nhiệm vụ: Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp - nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp; giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp; cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường...
Để triển khai Nghị quyết 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19-6-2017 với nhiều giải pháp, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bên cạnh đó, Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2018 nêu rõ các bộ, ngành và địa phương tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành chính quyền các cấp; duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...
Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp FDI
Cùng với việc quyết liệt triển khai các biện pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG... Nếu như năm 2014 mới có 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung thì đến năm 2017 con số này là 29 và tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 57%.
Tuy nhiên, kết quả trên còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ và mức độ cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực do các chính sách về thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa được thực thi tốt. Doanh nghiệp trong nước còn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc chủ động tham gia liên kết với doanh nghiệp FDI. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là mỗi doanh nghiệp trong nước phải chủ động tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh để nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài.
Để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, phải đẩy mạnh thực thi các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được ban hành, nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển đủ khả năng trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về công nghệ, quản lý và nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bên cạnh đó, cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao trong một số lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn yếu và thiếu; khuyến khích các doanh nghiệp FDI chủ động liên kết với doanh nghiệp trong nước, tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.